Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải ngân chậm, lãng phí lớn

Hồng Sơn| 02/07/2013 06:12

(HNM) - Một tồn tại đã xuất hiện từ lâu chưa được khắc phục triệt để là tình trạng chậm giải ngân gây thiệt hại nghiêm trọng.

Lý do… muôn thuở

Để thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020, Chính phủ chủ trương huy động nguồn lực thông qua vốn ODA để đầu tư cho ngành giao thông, với tổng vốn đang triển khai là 13,733 tỷ USD. Số vốn này phân bổ cho những dự án thuộc hệ thống giao thông quốc gia, giao thông các địa phương và giao thông đô thị. Vốn dành cho giao thông nói chung chiếm tới 38,5% tổng số vốn ODA của cả nước.

Một số dự án về giao thông sử dụng 1,7 tỷ USD vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) nhưng năm 2013 dự báo chỉ giải ngân được 8%, thấp hơn nhiều so với mức giải ngân chung của các dự án thuộc lĩnh vực khác cũng sử dụng vốn ODA từ WB là 19,47%. Các dự án giao thông sử dụng vốn ODA do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với tổng trị giá 3,1 tỷ USD nhưng năm 2012 giải ngân cũng ở mức 8%; 5 tháng đầu năm nay chỉ đạt 3%. Những kết quả trên thấp hơn nhiều so với cam kết của cả hai bên cung cấp và tiếp nhận, sử dụng ODA. Các chuyên gia khẳng định, giải ngân ODA của lĩnh vực giao thông rất khó khăn và thấp hơn hẳn các lĩnh vực khác. Một số dự án đã phải đàm phán, xem xét gia hạn như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Long Thành - Dầu Giây…

Thi công gói thầu A7, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.


Việc chậm giải ngân chủ yếu do nguyên nhân "muôn thuở" là giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm, kéo theo sự đình trệ, giãn tiến độ ở các công đoạn tiếp theo. Nhiều công trình phải thi công trong tình trạng xôi đỗ, gây lãng phí trong sử dụng máy móc, thiết bị, công nhân và làm phát sinh chi phí, đội giá công trình. Một số nguyên nhân cụ thể gồm: Thiếu vốn đối ứng cho GPMB và tái định cư, đặc biệt là đối với những dự án đường bộ và giao thông đô thị bởi luôn cần lượng vốn lớn. Phần lớn dự án không được bố trí đủ trong 1-2 năm đầu; tiếp theo là tình trạng báo cáo khả thi và các văn bản liên quan không bảo đảm chất lượng, chưa có giám sát thích hợp về chất lượng xây dựng báo cáo, đặc biệt là vấn đề kỹ thuật, hoặc có độ "vênh" về số liệu nên phải thẩm tra, xác định lại, gây mất thời gian. Một số dự án lại rơi vào tình trạng thiếu năng lực quản lý nên lúng túng trước yêu cầu công việc hoặc khởi động chậm so với kế hoạch do bị động trong khâu chuẩn bị…

Ưu tiên bổ sung vốn đối ứng

Việc chậm trễ trong công tác giải ngân chính là sự cản trở quá trình thực hiện những mục tiêu KT-XH nói chung, gây lãng phí nguồn lực, thậm chí làm mất cơ hội bứt phá ở từng lĩnh vực, khu vực địa lý, gây cản trở mối liên kết giữa các ngành kinh tế, vùng miền trong phạm vi cả nước. Chậm giải ngân, chưa thực hiện đúng cam kết về tiến độ đối với nhà tài trợ làm ảnh hưởng đến uy tín của quốc gia. Đáng quan ngại là tình trạng này vẫn diễn ra trong bối cảnh nguồn ODA luôn chỉ có hạn, các nước đang phát triển cũng cạnh tranh gay gắt để thu hút.

Trước thực trạng nói trên và yêu cầu cấp bách về tăng cường giải ngân vốn ODA, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp các bộ, chính quyền địa phương cùng nhà tài trợ tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực hiện dự án, từ đó tìm biện pháp tháo gỡ, khắc phục triệt để càng sớm càng tốt.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị ưu tiên phân bổ vốn cho ngành giao thông để làm vốn đối ứng cho các dự án ODA; trước mắt, trong quý III và IV năm nay, tập trung bảo đảm lượng vốn khoảng 4.615 tỷ đồng cho các dự án của WB và ADB. Các cơ quan chủ quản và ban quản lý dự án phối hợp với nhà tài trợ xây dựng chương trình hành động, nâng cao chất lượng thủ tục, hoạt động giám sát; đặt ra các "mốc" thời gian để đáp ứng về tiến độ thi công, đồng thời khẩn trương rà soát, phát hiện xử lý các tình huống nảy sinh…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải ngân chậm, lãng phí lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.