Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải đáp thấu đáo vấn đề dư luận quan tâm về BHYT

Hà Hiền| 05/06/2023 19:00

(HNMO) - Có hay không việc cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) “treo” tiền thanh toán, khiến một số cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) thiếu tiền mua thuốc phục vụ khám, chữa bệnh BHYT? Có hay không sự bắt tay giữa cơ sở khám, chữa bệnh BHYT với người dân nhằm trục lợi?

Những nội dung dư luận quan tâm được đại diện BHXH Việt Nam giải đáp thấu đáo tại hội nghị cung cấp thông tin về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp quý II-2023 do BHXH Việt Nam tổ chức, diễn ra chiều 5-6 tại Hà Nội. 

Chi 47.466 tỷ đồng BHYT trong 5 tháng

Thông tin về chính sách BHYT, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, tính đến thời điểm hết tháng 5-2023, cả nước có khoảng 90,69 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 91% dân số. So với cùng kỳ năm trước, số người giam gia BHYT tăng 4,43 triệu người. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn.

Góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân thông qua BHYT, ngành BHXH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đơn vị chức năng quan tâm giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người tham gia. Đáng chú ý, 5 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đã giải quyết, chi trả chế độ, bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho 69,7 triệu lượt người, tăng hơn 30% so với thời điểm cuối tháng 5-2022. 

Số tiền chi khám, chữa BHYT trong thời gian này là 47.466 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2022. Chi phí khám, chữa bệnh BHYT tăng chủ yếu do số lượng bệnh nhân tăng. Bởi vì, trong thời gian dài dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người không sử dụng thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh. Sau khi dịch được kiểm soát, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tăng lên.

Cùng với việc bảo đảm quyền lợi, ngành BHXH còn chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ người dân tham gia, thụ hưởng chính sách BHYT. Đến thời điểm này, 12.444 cơ sở khám, chữa bệnh trên phạm vi cả nước đã áp dụng quy trình phục vụ bệnh nhân dùng thẻ căn cước công dân gắn chip để khám, chữa bệnh thay thế cho thẻ BHYT bằng giấy, đạt hơn 97% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh của cả nước…

Cùng với những kết quả đáng ghi nhận, thì việc thực hiện chính sách BHYT còn không ít khó khăn. Đâu đó còn xảy ra những vụ việc lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH, Quỹ BHYT; còn xuất hiện thông tin phản ánh tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người tham gia. Thế nên, nhiều người băn khoăn đặt ra những câu hỏi: Có hay không việc cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) “treo” tiền thanh toán BHYT, khiến một số cơ sở khám, chữa bệnh thiếu tiền mua thuốc phục vụ khám, chữa bệnh BHYT? Có hay không cái bắt tay giữa cơ sở khám, chữa bệnh BHYT với người dân nhằm trục lợi? 

Không có chuyện “treo” tiền thanh toán BHYT

Giải đáp những nội dung này, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Lê Văn Phúc khẳng định, tuyệt đối không có chuyện cơ quan BHXH “treo” tiền thanh toán BHYT. Lý do là vì, theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ quan BHXH sẽ tạm ứng và thanh, quyết toán hằng quý theo đề nghị chi của quý trước đối với các đơn vị liên quan. Nội dung này luôn được ngành thực hiện đúng, kịp thời. Thế nên, hiện nay, các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT cơ bản bảo đảm được nguồn kinh phí để mua sắm thuốc, vật tư y tế.

Cùng với đó, ngành BHXH phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc tham gia đấu thầu thuốc từ cấp trung ương, đến các cơ sở khám, chữa bệnh cũng như Hội đồng đấu thầu tại các địa phương để có thể cung ứng kịp thời nguồn thuốc phục vụ khám, chữa bệnh. Những vướng mắc về sử dụng máy mượn, máy đặt tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT đã được tháo gỡ.

Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT Lê Văn Phúc khẳng định không có chuyện "treo" tiền thanh toán BHYT.

Về nguồn chi từ Quỹ BHYT, ông Lê Văn Phúc cho hay, BHXH Việt Nam có hệ thống thông tin giám định BHYT hoạt động thông suốt. Hằng ngày, dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT từ các cơ sở y tế được đưa lên hệ thống dữ liệu chung và liên thông với cơ quan BHXH. Sau đó, các dữ liệu này được phân tích qua hệ thống phần mềm giám định BHYT. Hiện hệ thống phầm mềm giám định BHYT kiểm soát được nhiều nội dung như thông tin đăng ký hành nghề của bác sĩ, thông tin về dịch vụ kỹ thuật, về danh mục thuốc, giá các dịch vụ…

Từ “bộ lọc” của phần mềm giám định, đồng thời căn cứ vào kết quả giám định trực tiếp, các cơ quan chức năng có căn cứ chính xác để phát hiện sớm những sai phạm, từ chối thanh toán những trường hợp thực hiện khám, chữa bệnh BHYT không đúng quy định. Điều này đồng nghĩa, việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT ngày càng bảo đảm đúng đối tượng, đúng tình trạng của bệnh nhân.

Mặc dù vậy, tình trạng bác sĩ hay cơ sở khám, chữa bệnh BHYT “bắt tay” với người dân để trục lợi Quỹ BHXH, Quỹ BHYT còn xảy ra, mà vụ việc người lao động không đi khám bệnh vẫn có giấy chứng nhận nghỉ việc để hưởng chế độ BHXH mới bị phát hiện, xử lý tại tỉnh Đồng Nai là ví dụ. Để chấn chỉnh tình trạng này, ngành BHXH tiếp tục phối hợp với các bên liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa từ xa, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Từ những thông tin nêu trên có thể thấy rõ hơn, ngành BHXH cùng các cơ quan chức năng luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, chủ động tháo gỡ những vướng mắc để người dân được bảo đảm quyền lợi về BHYT. Tình trạng bệnh nhân phải tự mua thuốc, vật tư y tế trong danh mục thuộc quyền lợi thụ hưởng được khắc phục.

Chi trả BHYT với người nhiễm Covid-19 theo danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B

Hiện nay, Bộ Y tế đang chuẩn bị hồ sơ chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch tại Việt Nam. Trước thông tin này, nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về chế độ BHYT đối với người mắc Covid-19 sau khi công bố hết dịch.

Với nội dung này, BHXH Việt Nam cho biết, Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, thì việc chi trả BHYT đối với người nhiễm Covid-19 được áp dụng theo danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải đáp thấu đáo vấn đề dư luận quan tâm về BHYT

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.