(HNM) - Mặc dù Hà Nội đã bước đầu hình thành những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn nhưng năng suất và chất lượng còn thấp, đầu ra sản phẩm bấp bênh, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa bảo đảm… Đây là bài toán khó, đặt ra yêu cầu bức thiết phải tái cơ cấu để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, ổn định.
Nhiều khó khăn
Trong những năm qua, mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng tỷ trọng đầu tư trực tiếp cho phát triển nông nghiệp còn thấp (chỉ chiếm khoảng 4-6% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản), chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp chất lượng cao. Trong khi khả năng tự đầu tư của nông dân còn hạn chế thì việc vay vốn gặp khó khăn do thủ tục rườm rà, nhất là với nông dân nghèo.
Theo bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT), tăng trưởng kinh tế ngành nông nghiệp giai đoạn 2015-2020 là 2,4%, thấp hơn nhiều so với lĩnh vực phi nông nghiệp. Trồng trọt chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu chung, nhưng chủ yếu là trồng lúa, dẫn tới hiệu quả không cao. Về trồng hoa, đã có nhiều mô hình cho giá trị cao nhưng còn nhỏ lẻ, không tạo thành vùng tập trung; tổn thất sau thu hoạch còn lớn.
Anh Nguyễn Đình Thuận - hộ trồng hoa ly ở Mê Linh, cho biết: Trồng hoa ly cho giá trị cao hơn so với các loài hoa khác, tuy nhiên do diện tích quá nhỏ (mỗi vườn chỉ từ 2-3 sào), gia đình muốn mở rộng quy mô nhưng không có đất vì Mê Linh đang trong quá trình đô thị hóa. Vì vậy, việc đầu tư khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất rất khó khăn.
Mô hình trồng nhãn tại xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Bá Hoạt |
Thực tế cho thấy việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở nhiều địa phương còn tự phát và lúng túng do quy hoạch chưa được điều chỉnh kịp thời. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì đánh giá: Những năm qua chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn huyện đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa mang lại thu nhập cao cho người dân. Nhưng hiệu quả của sản xuất còn thấp, do người dân sản xuất chưa gắn với chế biến và thị trường. Trình độ tiếp thu khoa học kỹ thuật mới, nhất là tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế; sản xuất tùy tiện, không theo quy hoạch, dẫn đến cung cầu mất cân đối. Một số quy hoạch, đề án và cơ chế chính sách đã có, nhưng việc quản lý, triển khai thực hiện còn khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là nguồn lực thực hiện và thủ tục hỗ trợ.
Theo ông Đặng Đình Tiên - Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (Chương Mỹ), hiện trang trại muốn xây dựng một lò giết mổ để khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ, nhưng qua rất nhiều bước thủ tục để xin giấy phép nhiều năm nay vẫn chưa được chấp thuận với lý do không nằm trong quy hoạch.
Vốn, công nghệ là then chốt
Để tháo gỡ khó khăn, đưa ngành nông nghiệp Hà Nội phát triển bền vững, ổn định, TP Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2016-2020. Theo đó, sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm: lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa cây cảnh, cây ăn quả đặc sản… Chú trọng các khâu công nghệ sau thu hoạch và chế biến, đặc biệt là chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Theo ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT, để tái cơ cấu nông nghiệp, Hà Nội sẽ ưu tiên vốn cho các chương trình, dự án về chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực và lao động nông thôn. Đồng thời tập trung vốn đầu tư cho các chương trình, dự án có khả năng sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, các chương trình dự án theo các chính sách khuyến khích đầu tư của thành phố như phát triển vùng sản xuất chuyên canh tập trung, làng nghề.
Tiếp tục sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành, đổi mới lâm trường quốc doanh, rà soát hiện trạng sử dụng quỹ đất rừng, thu hồi diện tích sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả, vượt khả năng quản lý của các lâm trường giao lại cho chính quyền địa phương để cho các tổ chức, cá nhân thuê sử dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Ông Nguyễn Đại Thắng - Giám đốc Công ty cổ phần trang trại Bảo Châu (Sóc Sơn) đề nghị Nhà nước tăng hạn mức và kéo dài kỳ hạn cho vay vốn tín dụng phù hợp với chu kỳ sản xuất của nông nghiệp. Ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư sản xuất liên kết khép kín được vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi và kỳ hạn trả nợ phù hợp. Hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, nghiên cứu và mở rộng thị trường bằng cách tham gia các hội chợ trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm trong nước và hướng tới xuất khẩu…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.