(HNM) - Chợ đầu mối là kênh tiêu thụ nông sản hiệu quả, kết nối sản xuất với phân phối và tiêu dùng. Để giải bài toán tiêu thụ nông sản an toàn, Ban Chỉ đạo trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang chỉ đạo rà soát lại chợ đầu mối ở các địa phương nhằm đánh giá nhu cầu, xác định hướng phát triển.
Chợ đầu mối đóng vai trò quan trọng trong kênh phân phối nông sản, thực phẩm của thành phố. Ảnh: Khánh Huy |
Nông sản an toàn khó vào chợ đầu mối
Hợp tác xã Rau an toàn Tự Nhiên, huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) có 13,7ha rau an toàn, trung bình mỗi năm cung ứng cho thị trường 4.000 tấn rau xanh. Bà Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, hiện hợp tác xã chủ yếu cung cấp cho các siêu thị. Trong khi đó, kênh phân phối nông sản qua các cửa hàng bán lẻ và chợ chiếm tới 70%, là phân khúc tiềm năng, gần với người dân nhất nhưng hợp tác xã vẫn chưa tiếp cận được. Mặt khác, tâm lý người tiêu dùng muốn sử dụng nông sản an toàn nhưng lại không muốn trả giá cao.
Bà Hoàng Thị Hậu, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, hiện nay, sản phẩm của đơn vị được tiêu thụ ổn định tại các bếp ăn tập thể, cửa hàng bán rau sạch…, chưa có sản phẩm bán tại chợ đầu mối. Nhưng nếu chợ đầu mối bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hợp tác xã sẽ tham gia cung ứng sản phẩm. “Chúng tôi mong cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hơn nữa, bảo đảm nông sản có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ khi đưa vào chợ đầu mối để phân phối” - bà Hậu chia sẻ.
Thực tế cho thấy, dù đóng vai trò quan trọng trong tiêu thụ nông sản nhưng hoạt động buôn bán, tiêu thụ sản phẩm tại các chợ đầu mối vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Chợ đầu mối bị thương lái chi phối về giá cả và nguồn cung; việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ nông sản bị bỏ ngỏ; nông sản an toàn bị “đánh đồng” với sản phẩm không an toàn...
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, toàn thành phố hiện có hơn 7 triệu người dân và khoảng 2 triệu người chưa có hộ khẩu thường trú nhưng thường xuyên sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn. Ngoài ra, mỗi năm thành phố đón gần 20 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, du lịch và lưu trú, do vậy, nhu cầu tiêu thụ nông sản rất lớn. Hiện nay, nhiều nông sản của Hà Nội được phân phối, tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối. Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ nhập hàng hóa từ các chợ đầu mối về bán tại các chợ dân sinh, chợ cóc; số còn lại phân phối qua siêu thị, cửa hàng tiện ích. Vì vậy, chợ đầu mối đóng vai trò quan trọng trong kênh phân phối nông sản, thực phẩm của thành phố.
Phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ Công Thương đã có hướng dẫn thực hiện và xét công nhận tiêu chí hạ tầng cơ sở thương mại nông thôn trong bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành lồng ghép nguồn lực từ chương trình này để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã… tham gia đầu tư chợ nông thôn; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, tạo tiền đề cho hoạt động lưu thông hàng hóa. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang chỉ đạo rà soát lại chợ đầu mối tại các địa phương để đánh giá nhu cầu, xác định hướng phát triển...
Liên quan vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân Hoàng Thị Hậu kiến nghị: Các đơn vị đưa nông sản vào chợ đầu mối tiêu thụ phải có tư cách pháp nhân như hợp tác xã, doanh nghiệp; có cam kết chất lượng sản phẩm được công khai tại chợ đầu mối hoặc nơi tiêu thụ, bán buôn nông sản; sản phẩm đưa đến chợ đầu mối phải được sản xuất theo quy trình, có chứng nhận và có tem truy xuất nguồn gốc… Đặc biệt, ở mỗi tỉnh, thành phố, Nhà nước nên đầu tư mở rộng nhiều vùng sản xuất nông sản áp dụng quy trình sản xuất sạch và có quy chế riêng cho hoạt động tại các chợ đầu mối.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trên cả nước đã tập trung đầu tư, phát triển được 20.000 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, các mô hình này còn nhỏ lẻ, thông tin về cơ sở sản xuất an toàn chưa đầy đủ, thường phải đối mặt với tình trạng giá cả bấp bênh, nông sản tiêu thụ không ổn định. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng chưa được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm nên người tiêu dùng còn e ngại. Đây là lý do khiến sản xuất nông nghiệp chưa thật sự bền vững và mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), để phát triển chợ đầu mối an toàn thực phẩm cần tăng cường phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị người sản xuất và chuỗi bán lẻ lớn; bảo đảm cân đối cung cầu, có thể truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát giá thành và giá bán nông sản, giảm chi phí trung gian.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.