(HNM) - UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 220/KH-UBND ngày 15-8-2022 về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Đây có thể xem là phương thức giải bài toán nông nghiệp hữu cơ của thành phố. Song, để phát triển một nền nông nghiệp hữu cơ tương xứng với tiềm năng, ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái… là một câu chuyện dài đòi hỏi phải có giải pháp thực chất...
Nhiều lợi ích từ nông nghiệp hữu cơ
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng phát triển bền vững, tạo ra những sản phẩm an toàn cho cộng đồng. Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ, bước đầu mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Không chỉ phù hợp với xu thế phát triển của nông nghiệp hiện đại, bền vững, nông nghiệp hữu cơ còn mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) Trịnh Thị Nguyệt cho biết, hơn 40ha sản xuất lúa hữu cơ của hợp tác xã đã được các doanh nghiệp ký hợp đồng phân phối, tiêu thụ sản phẩm với giá cao hơn từ 1,5 lần trở lên so với sản phẩm thông thường. Ngoài lúa hữu cơ, hợp tác xã còn trồng đậu tương, khoai lang, khoai tây... hữu cơ. Các sản phẩm gạo và đậu tương đã đạt 4 sao của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP và hợp tác xã đã ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp để xuất khẩu sản phẩm tới các thị trường quốc tế… “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, an toàn cho sức khỏe cộng đồng, mà còn góp phần bảo vệ môi trường”, bà Trịnh Thị Nguyệt khẳng định.
Tương tự, theo Giám đốc Hợp tác xã rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) Hoàng Thị Hậu, từ việc giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, rau hữu cơ có chất lượng cao, hợp tác xã đã ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 12 công ty, 45 điểm bán hàng trên địa bàn thành phố, mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 1.000 tấn rau, củ, quả, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng.
Đánh giá về chương trình phát triển nông nghiệp hữu cơ thời gian qua trên địa bàn thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ nhấn mạnh, diện tích trồng trọt hữu cơ của thành phố lên tới 2.000ha; diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ là 10,1ha… Sản xuất hữu cơ không chỉ nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị của sản phẩm nông nghiệp mà còn giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, hài hòa với môi trường sinh thái…
Thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển còn manh mún. Ví như, trong lĩnh vực chăn nuôi, Hà Nội vẫn chưa có sản phẩm hữu cơ đúng nghĩa, mới chỉ có các đơn vị thực hiện chăn nuôi chuyển đổi hữu cơ với tổng đàn khoảng 14,6 nghìn con lợn, gà, bò… Sản xuất nông nghiệp hữu cơ gặp nhiều khó khăn do chi phí cao gấp 5-6 lần so với phương pháp thông thường, sản lượng không cao, giá cả chưa tương xứng… Trong khi đó, trên thị trường vẫn có hiện tượng trà trộn giữa sản phẩm hữu cơ với các sản phẩm khác khiến người tiêu dùng mất niềm tin...
Để triển khai hiệu quả Kế hoạch số 220/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Giám đốc Hợp tác xã rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) Đặng Thị Cuối đề xuất: Các cơ quan chức năng của thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu hơn về nông sản hữu cơ; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hợp tác xã, doanh nghiệp không tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ, qua đó tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. “Các sở, ngành tham mưu cho thành phố có chính sách thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm hữu cơ; đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ phát triển ổn định…”, bà Đặng Thị Cuối nhấn mạnh.
Cùng nhận định trên, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh thông tin: Từ nay đến năm 2025, huyện phấn đấu mỗi năm tăng khoảng 10ha canh tác nông nghiệp hữu cơ…
Triển khai Kế hoạch số 220/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy trình kỹ thuật tiên tiến, được kiểm soát chặt chẽ; sản phẩm được cấp giấy chứng nhận theo quy định quốc gia, quốc tế về nông nghiệp hữu cơ. Các địa phương cần có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp theo hướng đồng bộ từ hạ tầng sản xuất, tập huấn kỹ thuật đến xây dựng thương hiệu...
Với định hướng sản xuất hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng sản xuất tập trung đối với những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thị trường có nhu cầu lớn, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. Cùng với đó là tăng cường tổ chức hội chợ, ứng dụng internet để quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp đưa sản phẩm hữu cơ vào các kênh phân phối hiện đại và hướng tới xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.