Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải “bài toán” chất lượng thịt lợn xuất khẩu

Ngọc Quỳnh| 01/12/2022 19:15

(HNMO) - Hiện nay, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước đã xuống dưới 60.000 đồng/kg, thậm chí có những ngày còn 50.000 đồng/kg. Nguồn cung trong nước dồi dào, nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ nới lỏng các "hàng rào" kỹ thuật để xuất khẩu thịt lợn qua biên giới, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.

Xuất khẩu thịt lợn còn khiêm tốn.

Khả năng xuất khẩu còn hạn chế

Tháng 11 hằng năm, nhiều loại thực phẩm, nhất là thịt lợn, thịt gà bước vào chu kỳ tăng giá do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh. Tuy nhiên, giá lợn hơi năm nay đang giảm so với cùng kỳ năm trước.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai, Hà Nội) Nguyễn Trọng Long, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, nhưng giá thịt lợn hơi xuất chuồng chỉ dao động trong khoảng 53.000-54.000 đồng/kg. Với mức giá này, các trang trại chăn nuôi khép kín đang gặp khó khăn trong duy trì sản xuất.

Thời điểm hiện tại, giá lợn hơi ở nhiều địa phương đã xuống dưới 60.000 đồng/kg, có những ngày xuống còn 50.000 đồng/kg. Nhiều ý kiến cho rằng, các bộ, ngành cần tham mưu Chính phủ nới lỏng các "hàng rào" kỹ thuật để doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thịt lợn. Trước ý kiến này, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các bộ, ngành liên quan về việc phối hợp nghiên cứu những phản ánh liên quan đến vấn đề xuất khẩu thịt lợn.

Về vấn đề này, Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long khẳng định, Việt Nam không giới hạn định mức xuất khẩu lợn và sản phẩm thịt lợn. Tuy nhiên, để xuất khẩu sản phẩm thịt lợn sang thị trường các nước thì doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Đây là trở ngại lớn với nhiều doanh nghiệp muốn xuất khẩu thịt lợn.

Còn theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh, vấn đề về giá bán và xây dựng vùng chăn nuôi an toàn vẫn đang là “rào cản” lớn cho thịt lợn xuất khẩu của Việt Nam.

“Hiện Việt Nam chưa có cơ sở, vùng chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới. Việc này khiến cho xuất khẩu thịt lợn gặp không ít khó khăn”, ông Tống Xuân Chinh cho biết.

Hơn nữa, thịt lợn xuất khẩu Việt Nam đang khó cạnh tranh với các nước khác vì giá thành cao (tương đương 3 USD/kg, trong khi giá thịt lợn ở Mỹ là 1,1 USD/kg). Mặt khác, giá thành chăn nuôi lợn ở Việt Nam cũng cao do nước ta phụ thuộc tới 70% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, trong khi đó, chi phí này chiếm tới 65-70% cơ cấu giá thành chăn nuôi lợn.

Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Hiện nay, các nước nhập khẩu chỉ chấp nhận sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc từ quốc gia, vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới. Trong khi việc chứng minh vùng nuôi lợn an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới là rất khó, cần nhiều nguồn lực, đặc biệt là cần vùng đất rộng lớn (từ 500ha trở lên), tách biệt về mặt địa lý và có khoảng cách xa (tối thiểu 10km) với các vùng chăn nuôi lợn mật độ cao.

Do đó, để bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus Nguyễn Quang Hiếu cho biết, De Heus mong muốn Bộ NN&PTNT và các địa phương công khai kế hoạch xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để doanh nghiệp liên kết chuỗi chăn nuôi, bảo đảm quy trình khép kín từ sản xuất đến sơ chế, chế biến...

Còn theo Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển chăn nuôi Hòa Phát (tỉnh Hưng Yên) Nguyễn Văn Khánh, cơ quan quản lý nhà nước đã xây dựng bộ tiêu chuẩn về chăn nuôi nhưng cần xem những điều kiện này đã bám sát thực tế hay chưa, đặc biệt là khoảng cách giữa các trang trại chăn nuôi. Hơn nữa, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh không chỉ cần tiêu chuẩn, mà còn phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các ngành chức năng.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho rằng, trước sự cạnh tranh khốc liệt của mặt hàng thịt lợn, doanh nghiệp phải đầu tư có hệ thống, bài bản để đáp ứng các quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm trong quá trình chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển.

Nhận định xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm ngành chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới tại vùng Đông Nam Bộ. Bước tiếp theo là nhân rộng mô hình, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại các địa phương khác trên phạm vi cả nước; qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng, cung cấp sản phẩm chăn nuôi an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước; đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng giá trị xuất khẩu mặt hàng thịt lợn chính ngạch sang các nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải “bài toán” chất lượng thịt lợn xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.