Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải ''bài toán'' chất lượng nông sản

Ngọc Quỳnh| 02/11/2022 07:21

(HNM) - Các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã, đang tích cực xây dựng những vùng nông nghiệp an toàn, các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm để kiểm soát chất lượng nông sản. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm về dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật... vẫn xảy ra ở nhiều nơi, khiến người tiêu dùng lo lắng. Vậy đâu là giải pháp để giải “bài toán” an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông sản và minh bạch thông tin nguồn gốc xuất xứ sản phẩm trên thị trường?

Lực lượng chức năng kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm tại quận Hà Đông. Ảnh: Hoàng Bách

Vật tư, con giống chất lượng kém

Đến thời điểm hiện tại, thành phố Hà Nội đã chuyển đổi hơn 40.227ha đất lúa sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới. Trong đó, có 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, 50 vùng sản xuất hoa cây cảnh, 3.150 trang trại chăn nuôi (130 trang trại ứng dụng công nghệ cao)... Tuy nhiên, tình trạng vi phạmvề an toàn thực phẩm, như: Dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng… vẫn xảy ra.

Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng thông tin: Từ đầu năm đến nay, chi cục đã lấy 167 mẫu nông sản từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội tiêu thụ để xét nghiệm, có158 mẫu đạt tiêu chuẩn, 9 mẫu vi phạm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Chi cục đã cảnh báo kịp thời cho các tỉnh, thành phố để truy xuất nguồn gốc xuất xứ, xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, cùng với Hà Nội, nhiều tỉnh, thành phố đã chú trọng xây dựng vùng sản xuất an toàn, do đó số trang trại, nhà vườn áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP tăng nhanh. Năm 2018, có 1.845 cơ sở áp dụng VietGAP, VietGAHP với diện tích 20.000ha thì đến nay con số này đã lên tới  8.304 cơ sở, với diện tích 480.000ha, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong việc minh bạch thông tin sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Nhận định về số vụ vi phạm an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm giảm nhưng tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn diễn ra do quy mô sản xuất còn nhỏ, chất lượng không ổn định, thiếu minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết, từ đầu năm đến nay, Bộ NN&PTNT đã kiểm tra dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng với 2.503 mẫu, kết quả có 40 mẫu vi phạm, chiếm 1,6%; kiểm tra vi sinh với 13 mẫu, kết quả không có mẫu nào vi phạm về chỉ tiêu này.

Lý giải về tình trạng nêu trên, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng, nguyên nhân chính do một số nhà sản xuất thiếu ý thức, chạy theo lợi nhuận trước mắt đã chọn vật tư, con giống chất lượng kém đưa vào sản xuất; việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế, khu chế biến thực phẩm không bảo đảm vệ sinh. Ngoài ra, việc thanh tra, kiểm tra ở tuyến cơ sở chưa thường xuyên, hiệu quả.

Rà soát lại hệ thống tiêu chuẩn chất lượng

Để giải quyết triệt để vấn đề vi phạm an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Như Tiệp cho rằng, các địa phương cần tổ chức liên kết sản xuất với tiêu thụ, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm. Trong đó, xác định khâu trọng yếu của chuỗi là các trang trại, hợp tác xã, các chợ đầu mối và nhà bán lẻ. Từ đó, chia sẻ thông tin giữa các bên để cùng nhau giám sát “đường đi” của thực phẩm...

Còn theo bà Nguyễn Thùy Dương, đại diện Công ty TNHH bán lẻ BRG, để minh bạch nguồn gốc nông sản, thực phẩm trên thị trường, bảo đảm quyền lợi cho người sản xuất chân chính, các tỉnh, thành phố cần làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất, hình thành các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với người dân, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Qua đó, doanh nghiệp sẽ kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến sơ chế, đóng gói trước khi bán sản phẩm ra thị trường.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin: Sở sẽ tham mưu thành phố xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, nhà xưởng chế biến nông sản để nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường kiểm tra lấy mẫu giám sát chất lượng, đẩy mạnh sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tập trung rà soát các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm định hướng xây dựng chuỗi liên kết đáp ứng yêu cầu mới.

Còn theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, để minh bạch thông tin sản phẩm trên thị trường, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống bán lẻ, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan truyền thông nhằm tạo dựng hệ sinh thái ngành hàng. Bộ sẽ rà soát lại tất cả các tiêu chuẩn, quy định, chế tài, xem còn phù hợp hay không, nếu cần sẽ sửa chữa cho phù hợp với thực tế. Việc này không chỉ nhằm hướng tới thị trường xuất khẩu mà còn phục vụ thị trường trong nước...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải ''bài toán'' chất lượng nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.