Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường quản lý chất lượng nông sản

Ngọc Quỳnh| 20/12/2022 10:11

(HNMO) - Từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, kéo theo việc sản xuất, kinh doanh và vận chuyển các mặt hàng thực phẩm cũng trở nên nhộn nhịp. Ngành Nông nghiệp đã và đang tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản trên thị trường. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng xung quanh vấn đề này.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội và Bộ NN&TNT tham quan các gian hàng của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ.

Có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn khó khăn

- Nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm của Hà Nội tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán, Hà Nội có giải pháp gì để chủ động sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm bảo đảm nguồn cung cho thị trường, thưa bà?

Hiện nay, với tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, thành phố Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với các sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm, các nông sản thực phẩm khác khả năng đáp ứng khoảng 14-71%. Lượng hàng hóa nông sản còn thiếu và các sản phẩm đặc sản vùng miền phục vụ nhu cầu đa dạng của trên 10 triệu người dân sinh sống, làm việc và khách du lịch được các hệ thống phân phối, doanh nghiệp, siêu thị, đơn vị của Hà Nội khai thác từ các tỉnh, thành phố và một phần nhập khẩu.

Trong những năm qua, thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, thành phố tiếp tục duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn với 159 chuỗi, trong đó có 53 chuỗi sản phầm động vật và 106 chuỗi sản phẩm thực vật.

Ngoài nguồn sản phẩm nông, lâm, thủy sản sản xuất tại thành phố, thực hiện Chương trình phối hợp số 7237/CTPH-BNNPTNT-UBND ngày 23-10-2021 về Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản, giao thương giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2025; Sở NN&PTNT Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển 946 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội (tăng 22 tỉnh và 160 chuỗi so với giai đoạn 2015-2020).

Với sự hợp tác, phối hợp này, Hà Nội bảo đảm đủ nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô, đặc biệt là trong đợt cao điểm trước, trong và sau Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão.

- Với mục tiêu tạo ra nguồn nông sản, thực phẩm an toàn, năm 2022 ngành Nông nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc hỗ trợ cho nông dân, bà có thể cho biết rõ hơn vấn đề này?

Thành phố tiếp tục triển khai các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 05-12-2018 của HĐND thành phố Hà Nội về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội, đặc biệt là phát triển các diện tích sản xuất nông nghiệp an toàn. Qua đó, thành phố duy trì gần 1.700 ha diện tích VietGAP trồng trọt, trong đó diện tích rau đạt 429,6 ha, diện tích cây ăn quả đạt 446,7 ha, diện tích chè đạt 3 ha, diện tích rau hữu cơ đạt trên 100 ha...

Nhằm hỗ trợ phát triển sơ chế, chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố. Đến nay, các đơn vị của Sở đã hỗ trợ 95 cơ sở xây dựng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế (HACCP) nhằm nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm cho các cơ sở chế biến nông sản; hỗ trợ 50 doanh nghiệp xây dựng bộ nhận diện nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và Công nghệ)…

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm hỗ trợ truyền thông, quảng bá, minh bạch thông tin, nguồn gốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh đến người tiêu dùng, điển hình là qua “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (check.hanoi.gov.vn).

Đến nay, hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn, cấp mã tài khoản quản trị cho hơn 3.275 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn, cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho trên 12.286 mã sản phẩm. Như vậy, một lượng lớn nông sản an toàn tiêu thụ hằng ngày đã được kiểm soát chặt chẽ.

- Để quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tiêu thụ trên thị trường, ngành Nông nghiệp đã tập trung vào giám sát những sản phẩm có nguy cơ cao như: Rau, thịt, thủy sản như thế nào, thưa bà?

Nhằm tăng cường hoạt động giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm, năm 2022, Chi cục đã lấy 1.984 mẫu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó có 306 mẫu có nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố và trên 94% mẫu đạt các chỉ tiêu phân tích. Đối với các mẫu không đạt đã thông báo, cảnh báo kịp thời để truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân các mẫu vi phạm và có giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng.

Ngành Nông nghiệp cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản lưu thông trên thị trường Hà Nội. Qua đó, trong năm 2022, các đơn vị của Sở NN&PTNT đã thanh tra, kiểm tra tại 1.049 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản, kết quả có 60 cơ sở vi phạm, ban hành 60 quyết định xử phạt với số tiền trên 800 triệu đồng.

Cán bộ ngành Nông nghiệp tăng cường kiểm chất lượng nông, lâm, thủy sản bán trên thị trường.

Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và sau Tết Nguyên đán

- Như vậy, tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề cần quan tâm, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Vậy để kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông, lâm, thủy sản, Hà Nội đã và sẽ có những biện pháp gì?

Sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn đã trở thành xu hướng, nhưng tình trạng vi phạm về chỉ tiêu an toàn thực phẩm vẫn diễn ra. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán, khi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, một số cơ sở đã lợi dụng các “kẽ hở” để kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Do đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, các ngành, địa phương, đoàn thể đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm; tổ chức đánh giá xếp loại, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Cùng với đó triển khai ký cam kết đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản theo quy định; đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, giám sát, hậu kiểm nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Cùng với việc tăng cường lấy mẫu giám sát, cảnh báo nguy cơ về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên diện rộng là giám sát sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Qua đó phát hiện, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu khắc phục triệt để các vi phạm, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ chuyển mạnh sang kiểm tra, thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời, các vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm...

- Về lâu dài để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng cần thực hiện những giải pháp gì thưa bà?

Để tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và hướng tới mục tiêu xuất khẩu, ngành Nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương mở rộng sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quán lý chất lượng tiên tiến.

Thành phố sẽ đầu tư cải thiện điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức liên kết, nhân rộng các chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản chất lượng, an toàn.

Hà Nội tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành phố triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp số 7237/CTPH-BNNPTNT-UBND ngày 23-10-2022 về “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2022-2025".

Thành phố tạo cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản; đầu tư nâng cấp thiết bị, đổi mới công nghệ nhằm sản xuất, chế biến nhiều sản phẩm có chất lượng cao...

Tuy nhiên, mỗi người dân nên trở thành người tiêu dùng thông thái, lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng… để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường quản lý chất lượng nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.