Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khoa học và công nghệ: Giúp nâng chất lượng nông sản

Nam Trung| 10/05/2023 07:24

(HNM) - Các nhà khoa học của thành phố Hồ Chí Minh đã và đang có nhiều nỗ lực nghiên cứu, đưa tiến bộ khoa học - công nghệ giúp ngành Nông nghiệp của thành phố phát triển. Đây cũng là nỗ lực góp phần thực hiện chiến lược xây dựng nền nông nghiệp đô thị theo hướng không chạy theo số lượng mà nâng cao chất lượng.

Thành phố Hồ Chí Minh ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển ngành Nông nghiệp đô thị hiện đại, chất lượng cao.

Những thành tựu mới

Theo Sở NN&PTNT thành phố Hồ Chí Minh, sản lượng muối hằng năm tại thành phố chiếm khoảng 10% tổng sản lượng muối của cả nước (khoảng 100.000 tấn). Vùng sản xuất muối tập trung ở các xã Lý Nhơn, Thạnh An, Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh của huyện Cần Giờ, với diện tích khoảng 1.500ha.

Ông Hồ Ngọc Thiện, Trưởng phòng Kinh tế huyện Cần Giờ cho biết trước đây, diêm dân Cần Giờ chủ yếu bán muối thô nên giá thành rất thấp. Huyện đã đề xuất với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng nghiên cứu chế biến các sản phẩm từ muối thô nhằm nâng cao giá trị sản xuất của ngành muối.

Kết quả là sau 2 năm nghiên cứu, nhóm kỹ sư, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu thiết bị và Công nghệ cơ khí Bách Khoa (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) đã xây dựng thành công quy trình công nghệ sản xuất muối đạt tiêu chuẩn TCVN 3974:2015 cho nguồn muối thô được sản xuất theo công nghệ phơi nước trải bạt. Cùng với đó, chế tạo thành công dây chuyền sản xuất và tinh chế muối chất lượng cao.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hồng Nhan, Chủ nhiệm nhiệm vụ, cho biết: “Công nghệ và dây chuyền sản xuất mới đã cho ra muối sạch làm nguyên liệu đầu vào chế biến gia vị, thực phẩm; nguyên liệu làm mỹ phẩm hoặc làm viên rửa cho máy rửa bát, nâng giá trị hạt muối”.

Cũng từ đơn đặt hàng của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Phát triển khoa học và Công nghệ trẻ do Thạc sĩ Vũ Thị Hường làm Chủ nhiệm đã nghiên cứu thành công việc chế tạo vật liệu tổ hợp trên cơ sở polymer tự nhiên ứng dụng bảo quản trái cây sau thu hoạch.

Cụ thể, nhóm đã thành công trong việc chế tạo màng polymer tự nhiên kháng khuẩn không độc hại từ sáp ong và cellulose - HPMC (gai, tre, nứa,…) dùng để bảo quản rau quả sau thu hoạch. Kết quả thực nghiệm cho thấy loại màng polymer tự nhiên (HPMC/Sh) này dùng quét phủ bề ngoài bảo quản cà chua cherry có thể giữ chất lượng tốt lên đến 45 ngày sau thu hoạch.

“Polymer tự nhiên chính là sự thay thế lý tưởng cho các polymer truyền thống trong bảo quản nông sản sau thu hoạch. Đây là nguồn nguyên liệu có hiệu quả kinh tế cao, có sẵn và không độc hại. Các polymer này có khả năng biến đổi hóa học, khả năng phân hủy sinh học cao và một vài loại polymer tự nhiên còn có khả năng tương thích sinh học, không gây độc hại cho người”, Thạc sĩ Vũ Thị Hường nói.

Xây dựng ngành Nông nghiệp công nghệ cao

Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện chiến lược xây dựng nền nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững, tập trung vào các ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, kéo theo năng suất lao động tăng bình quân 21%/năm. Trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân là 5,82%/năm; giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp của năm 2020 ước đạt hơn 550 triệu đồng/ha/năm, gấp 1,5 lần năm 2015... Cũng trong giai đoạn này, thành phố cũng đã hình thành Khu nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trại Trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao…

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng cho biết, thành phố vừa ban hành Kế hoạch nâng cao hàm lượng khoa học và công nghệ trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025. Theo đó, tối thiểu 80% các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn được triển khai có sự liên kết đa ngành, liên kết theo chuỗi giá trị và hợp tác công tư.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Nông nghiệp xây dựng các mô hình nông thôn mới trên cơ sở ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ để phát triển kinh tế, xã hội: Chuyển giao kết quả nghiên cứu, tiến bộ kỹ thuật mới đến cơ sở. Xây dựng một số mô hình trình diễn về nông thôn mới trên cơ sở ứng dụng các thành tựu, giải pháp khoa học và công nghệ” - ông Nguyễn Việt Dũng nói.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hồ Chí Minh Đinh Minh Hiệp, định hướng đến năm 2025, Sở sẽ tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị; từng bước hình thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao với quy mô sản xuất lớn, hiện đại.

“Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm khoảng 1% GRDP toàn thành phố nhưng lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn, việc phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng khoa học công nghệ và xu hướng tất yếu và cần phải thực hiện ngay. Chúng tôi đã và đang phối hợp chặt chẽ với ngành Khoa học và Công nghệ để triển khai định hướng chiến lược nêu trên. Sở đang xây dựng đề án phát triển nông nghiệp đô thị trình UBND thành phố trong thời gian tới”, ông Đinh Minh Hiệp thông tin.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khoa học và công nghệ: Giúp nâng chất lượng nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.