(HNM) - “Tại sao không thể tổ chức những giải đấu quốc tế ngay tại Việt Nam để kỳ thủ trong nước có cơ hội sớm trở thành Kiện tướng quốc tế, hay đơn giản là cơ hội tích lũy hệ số elo? Tôi nghĩ rằng đó là một hướng đi tích cực”.
Nhọc nhằn giành chuẩn
Bùi Vinh là Đại kiện tướng quốc tế nam thứ 8 tại Việt Nam và là người đầu tiên của Hà Nội giành được danh hiệu này. Năm 2008, khi trở thành Đại kiện tướng quốc tế cờ vua, Bùi Vinh đã 32 tuổi - không còn trẻ trong làng cờ. Nhưng, với một kỳ thủ được đầu tư từ nguồn kinh phí nhà nước thì đó là cột mốc đáng ghi nhận bởi để đạt danh hiệu Kiện tướng quốc tế rồi Đại kiện tướng quốc tế trong điều kiện còn hạn chế của thể thao Hà Nội là điều không đơn giản.
Đại kiện tướng quốc tế Bùi Vinh (áo vàng) sau khi dự Giải Cờ vua trẻ Đông Nam Á 2017 trở về. |
Trong làng cờ vua Việt Nam, Bùi Vinh nổi lên từ nhỏ với tư chất tốt cùng tiềm năng vươn xa. Tiềm năng, tố chất cờ vua của Bùi Vinh sẽ được phát huy nếu được đầu tư mạnh mẽ ngay từ khi còn nhỏ như vậy. Tuy nhiên, cái khó bó cái khôn. Muốn giành chuẩn quốc tế thì phải năng ra nước ngoài thi đấu, nghĩa là phải được đầu tư không ít tiền. Trong khi đó, kinh phí dành cho thi đấu, tập huấn quốc tế của cờ vua Hà Nội lại không dồi dào. Còn nếu muốn lấy chuẩn quốc tế tại Việt Nam thì rất khó, đơn giản bởi không có nhiều giải đấu quốc tế được tổ chức ở nước ta.
Đến giờ, khi nhớ lại, Bùi Vinh nói rằng: “Nếu không có chuyến tập huấn dài hạn tại Hungary nhằm giành chuẩn quốc tế thông qua việc tham dự các giải cờ được tổ chức hằng tuần, hằng tháng cách đây hơn chục năm thì tôi khó đạt được những danh hiệu quốc tế cao quý. Nếu chỉ thỉnh thoảng dự giải quốc tế thì đến 40 tuổi cũng chưa chắc đạt được danh hiệu Đại kiện tướng quốc tế”.
Với cờ vua, danh hiệu và hệ số elo nội dung cờ tiêu chuẩn mới là điều đáng kể, chứ không phải ngôi thứ ở một vài giải đấu. Bùi Vinh tiếc nuối nói: “Làng cờ Việt Nam sở hữu nhiều tài năng lắm. Có điều, cái khó về kinh phí khiến nhiều người không thể vươn đến đỉnh cao”.
Thôi thúc tạo sân chơi
Lăn lộn hơn 30 năm trong làng cờ nên Bùi Vinh hiểu rõ nhu cầu thi đấu của người chơi cờ Việt Nam. Ở đó, người chơi vừa được thỏa mãn nhu cầu cọ xát, vừa được tích lũy hệ số elo để có tên trên bảng xếp hạng cờ vua thế giới, hay xa hơn là đạt được danh hiệu Kiện tướng quốc tế hay Đại kiện tướng quốc tế. Đến bây giờ, làng cờ Việt Nam mới chỉ có giải quốc tế duy nhất để tìm kiếm chuẩn Kiện tướng quốc tế, Đại kiện tướng quốc tế là Giải Cờ vua HD Bank. Nhiều kỳ thủ Việt Nam có điều kiện tham dự giải này do chi phí thấp hơn hẳn so với khi dự giải ở nước ngoài.
Giải Cờ vua vô địch quốc gia thường vắng bóng những kỳ thủ mạnh nhất do họ sợ thua hoặc hòa những kỳ thủ có hệ số elo thấp hơn, dẫn đến việc bị hạ elo - ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những kỳ thủ có hệ số elo cao nhất trong làng cờ vua Việt Nam. Nói vậy là bởi ban tổ chức các giải quốc tế thường căn cứ vào hệ số elo của kỳ thủ để quyết định có thu phí tham dự hoặc trả tiền bồi dưỡng thi đấu cho họ hay không. Vô tình, việc những kỳ thủ mạnh không dự Giải vô địch quốc gia khiến những kỳ thủ còn lại không có cơ hội tích lũy elo… Trong bối cảnh đó, tạo ra sân chơi cờ vua trở thành một nhu cầu mang tính bức thiết.
Những trải nghiệm đã có, vinh quang và tiếc nuối, đã thôi thúc Bùi Vinh trong việc tìm kiếm cơ hội tổ chức giải đấu cờ vua. Bắt đầu từ việc thành lập câu lạc bộ “Kiện tướng tương lai” với mục đích chính là dạy cờ, truyền đam mê và cảm hứng vươn xa cho các kỳ thủ nhí. Sau đó là ý định tổ chức các giải cờ vua. Trong 2 năm gần đây, Giải Cờ vua nhanh Hà Nội mở rộng do Đại kiện tướng quốc tế Bùi Vinh làm Trưởng ban Tổ chức đã nhanh chóng thu hút đông đảo kỳ thủ. Mỗi kỳ giải đều có gần 900 kỳ thủ tham gia, trong đó có cả những kỳ thủ ở tỉnh, thành phố khác, và cả kỳ thủ là người khuyết tật.
Tại giải, những kỳ thủ khuyết tật thi đấu với người thường ở các bảng đấu mà không được ưu tiên, ưu đãi, có chăng chỉ là kỳ thủ khiếm thị được sờ quân cờ trước khi đi một nước nào đó mà thôi. Kỳ thủ Lê Văn Việt của đội cờ vua người khuyết tật Hà Nội từng nói: “Chính việc được thi đấu với những kỳ thủ bình thường đã tiếp thêm động lực, giúp chúng tôi vượt qua mặc cảm. Thú thực, được dự những giải đấu thế này là niềm vui khó đong đếm với chúng tôi”.
Nhưng Đại kiện tướng quốc tế Bùi Vinh còn muốn nhiều hơn thế. Anh nói: “Tôi muốn kỳ thủ khuyết tật được dự giải với người bình thường để họ được tính hệ số elo. Tôi muốn tổ chức những giải quốc tế ngay tại Hà Nội để vận động viên không phải tốn hàng chục triệu đồng cho một chuyến thi đấu quốc tế nhằm giành giải thưởng cũng như giành chuẩn quốc tế.
Thực tế, không khó để đề nghị Liên đoàn Cờ vua thế giới cho phép tổ chức những giải này, miễn là mình có kinh phí tổ chức giải. Với những giải mang ý nghĩa giành chuẩn quốc tế thì phía tổ chức phải bảo đảm kinh phí để mời một số Đại kiện tướng quốc tế tham dự và lo ăn, ở cũng như giải thưởng, lệ phí nộp về Liên đoàn Cờ vua thế giới”. Việc tổ chức một giải cờ tiêu chuẩn chỉ để người chơi tích lũy elo còn đơn giản hơn. Quan trọng là phải có người dám đứng ra tổ chức.
Gần đây, Bùi Vinh cùng các học trò dự một giải quốc tế tại Lào theo diện xã hội hóa. Ở chuyến đi ấy, mỗi thành viên phải chi khoảng 10 triệu đồng. Trong khi đó, nếu dự giải tương tự tại Việt Nam, ước tính mỗi kỳ thủ chỉ phải đóng lệ phí hơn 2 triệu đồng cộng với chi phí ăn, ở.
Lúc này, Bùi Vinh đã nhận được sự cam kết của một số doanh nghiệp để có thể thực hiện ước mơ tổ chức các giải đấu dành cho người yêu cờ vua, trong đó có người khuyết tật. “Tôi không đặt mục tiêu lợi nhuận từ những giải đấu này. Cái lãi của nó phát sinh ở khía cạnh khác. Kiểu như Việt Nam sẽ có nhiều Kiện tướng quốc tế cũng như Đại kiện tướng quốc tế hơn, vị thế trong làng cờ thế giới được nâng lên. Kiểu như nhiều người khuyết tật có tên trên bảng xếp hạng cờ vua thế giới. Lúc đó, hạnh phúc vì làm được việc tốt cho cộng đồng sẽ nhân lên, thành vô giá. Vậy thì, thử hỏi lợi nhuận hay niềm hạnh phúc kia sẽ lớn hơn?” - Đại kiện tướng quốc tế Bùi Vinh nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.