Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá xăng và sự rối loạn

Nữ Quỳnh| 25/08/2012 05:49

(HNM)- Liên tiếp mấy ngày qua, thông tin một số doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lại kêu lỗ và đề nghị được tăng giá bán đã đốt nóng dư luận hơn bất cứ lần tăng giá nào trước đó.


Cuối tháng 6-2012, khi Bộ Tài chính có văn bản trao quyền quyết định giá xăng dầu cho các doanh nghiệp đầu mối thì dư luận cũng đã nhận định phần bất lợi sẽ thuộc về người tiêu dùng. Nhiều người coi quyết định này như một "đặc ân kép" với doanh nghiệp. Thực tế chúng ta đang có 11 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, nhưng trong đó 3 doanh nghiệp lớn là Petrolimex, PV Oil và Petec chiếm tới hơn 90% thị phần (riêng Petrolimex chiếm gần 60% thị phần), trong khi theo Luật Chống độc quyền thì doanh nghiệp chiếm 30% thị phần trở lên đã được coi là "thống lĩnh" thị trường. Vấn đề là, khi chưa giải quyết được chuyện độc quyền của doanh nghiệp xăng dầu, thì chúng ta lại trao thêm cho họ một đặc quyền nữa là quyền "tự quyết định giá" theo thị trường. Bộ Tài chính khẳng định sẽ kiểm soát, kiềm chế việc điều chỉnh giá của doanh nghiệp. Nhưng thực tế có vẻ như nhiệm vụ ấy chưa được thực thi tốt. Ngay khi được trao "quyền tự quyết", chỉ trong vòng 22 ngày (từ 20-7 đến 13-8) giá xăng dầu đã tăng liên tiếp 3 lần, và nếu lần đề nghị này được chấp thuận thì tức là chỉ trong vòng hơn 30 ngày, xăng dầu tăng giá 4 lần. Và theo phân tích của ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khi trả lời VTV tối 23-8 thì Bộ Tài chính sẽ không áp dụng biện pháp giảm thuế nhập khẩu, còn quỹ bình ổn cũng chỉ có thể "đỡ" được một phần lỗ, như vậy, khi đề nghị của doanh nghiệp đúng quy định thì việc tăng giá là không thể đừng, vấn đề chỉ là tăng bao nhiêu mà thôi.

Dĩ nhiên, khó có thể trách doanh nghiệp, bởi khi đã trao cho họ đặc quyền thì họ phải tận dụng. Cái chính là cơ chế quản lý lúng túng hiện nay đang đẩy giá xăng vào rối loạn. Thực tế, Nghị định 84 (tháng 12- 2009) đã xác định giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, doanh nghiệp đầu mối được quyền quyết định giá bán… Thế nhưng văn bản này cũng nhanh chóng lộ những bất cập nên đã bị ngưng hiệu lực sau 3 tháng tồn tại. Đáng tiếc là hai năm sau cơ chế ấy lại được tái áp dụng mà không có mấy thay đổi cho phù hợp với thực tế. Việc cho phép 10 ngày tăng một lần, mỗi lần tăng đến 7% là một thứ đặc quyền cho doanh nghiệp. Theo phân tích của một tờ báo ra sáng 24-8 thì doanh nghiệp đầu mối xăng dầu kêu lỗ nhưng họ "quên" tính phần được hưởng như quỹ bình ổn 300 đồng/lít, chi phí định mức 600 đồng/lít và lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Chỉ 2 khoản định mức doanh nghiệp đã có trong tay 900 đồng/lít. Trừ hoa hồng cho đại lý 300 đồng/lít thì vẫn còn 600 đồng/lít cộng 300 đồng/lít trích từ quỹ bình ổn. Do đó, việc doanh nghiệp kêu đang lỗ hơn 1.000 đồng/lít xăng là không chính xác, mà thực chất chỉ lỗ khoảng 100 đồng/lít.

Lỗi cơ chế thì phải sửa cơ chế, từ khâu giám sát, đến cách tính giá và thẩm định giá của cơ quan quản lý. Cấp thiết trước mắt cần xây dựng lại cách tính giá cơ sở, loại bỏ các yếu tố gây nhiễu loạn như thuế, phí hiện nay. Tức là giá cơ sở sẽ chỉ gồm giá mua cộng chi phí lưu thông tối thiểu của doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng cần bắt buộc doanh nghiệp khi đề xuất điều chỉnh giá phải niêm yết công khai giá nhập khẩu, giá trung bình dự trữ làm căn cứ điều chỉnh. Điều này sẽ tránh được tình trạng doanh nghiệp "bắt tay" tăng giá như hiện nay, thay vào đó mỗi doanh nghiệp có thể đưa ra giá cạnh tranh. Tức là thị trường sẽ tồn tại nhiều mức giá, tùy theo tính toán đầu vào và ra của doanh nghiệp.

Có thể khẳng định, nếu không điều chỉnh những bất cập hiện nay, doanh nghiệp xăng dầu vẫn hưởng những "đặc quyền" thì thị trường sẽ còn rối và người tiêu dùng sẽ còn chịu thiệt, chưa kể đến những hệ lụy xấu với kinh tế - xã hội…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá xăng và sự rối loạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.