Không ít người Việt Nam có lẽ đang mơ ước: bao giờ giá xăng cũng như cước di động?...
Bà bán vé số ven đường có thể được hưởng lợi từ giảm cước di động, nhưng khó kỳ vọng như vậy với giá xăng. |
Sáng 7/7, tại hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm Bộ Thông tin Truyền thông, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) Hoàng Sơn bất ngờ đề xuất giảm cước di động ngoại mạng bằng nội mạng.
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh cước di động ở Việt Nam đã đứng yên trong 5 năm gần đây và xu hướng chuyển dịch từ kinh doanh thoại sang data đang ngày càng mạnh.
Trả lời báo chí, Cục trưởng Cục Viễn thông Phạm Hồng Hải cho biết, nếu mức giá mới mà Viettel đưa ra không thấp hơn giá thành, thì Bộ sẽ đồng ý.
Như vậy, về cơ bản, Bộ Thông tin Truyền thông ủng hộ các doanh nghiệp đem lại lợi ích cho hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam nhưng doanh nghiệp phải đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, không bán dưới giá thành.
Buổi tối cùng ngày, một tin bất ngờ khác cũng được công bố: giá xăng tăng lúc 20h.
Mức giá xăng dầu trong nước mới đã đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử. Không giống như đề xuất bất ngờ vào buổi sáng, tin tức được phát đi buổi tối là một nỗi buồn với hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam đang hàng ngày sử dụng xăng dầu. Đây cũng là lần thứ hai trong vòng hơn 10 ngày gần đây, giá xăng dầu leo dốc khiến túi tiền của người dân hao mòn.
Trong cùng một ngày, hai mặt hàng đều là hàng hoá (xăng dầu) và dịch vụ (thông tin di động) thiết yếu với hàng chục triệu người dân Việt Nam có động thái ngược nhau. Một bên đem lại niềm vui (nhưng còn chờ phê duyệt của Bộ Thông tin Truyền thông), một bên đem lại nỗi buồn (giá tăng và đạt mức cao nhất trong lịch sử).
Nhiều năm gần đây, giá xăng luôn tăng nhiều hơn giảm và những đỉnh cao mới về giá bán được xác lập thường xuyên, đi kèm với đó là các doanh nghiệp xăng dầu thường xuyên kêu lỗ.
Trong khi đó, ở lĩnh vực viễn thông, cước di động chỉ có giảm chứ không tăng, và doanh nghiệp thậm chí còn phải giải trình mới được giảm giá.
Sự đối lập giữa hai loại hàng hoá dịch vụ thiết yếu cũng phản ánh cấu trúc thị trường ở hai lĩnh vực này. Một bên vẫn độc quyền. Còn phía bên kia, đã tự do cạnh tranh.
Trong khi hơn 100 triệu thuê bao di động lâu nay coi chuyện được giảm giá là đương nhiên, thì hàng chục triệu người Việt Nam coi việc giảm giá xăng dầu thấp hơn các mức trước đây là một phép màu.
Cũng vì thế mà không ít người Việt Nam có lẽ đang mơ ước: bao giờ giá xăng cũng như cước di động?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.