(HNM) - Giá vàng biến động mau chóng gây thiệt hại cho rất nhiều người, nhưng cũng mang lại lợi nhuận khổng lồ cho một số người.
Những ngày giá vàng lên xuống, đi qua mấy cửa hàng vàng trông thật kinh hoàng - dân ta hoặc quá giàu hoặc quá không bình thường. Ai lại vàng đang lên như lũ quét mà người xếp hàng mua rồng rắn như ngày xưa gạo về. Hơn nữa, có cảm giác không phải họ mua vàng, thứ kim loại quý hiếm, tượng trưng cho sự hùng mạnh của quốc gia, cho sự giàu có của mỗi nhà, mà cứ như họ đang mua rau lang, cứ từng mớ, từng mớ. Rồi khi vàng xuống lại cũng cảnh rồng rắn ấy để tranh nhau bán. Có điều gì không bình thường trong tâm lý người Việt hiện tại về quan niệm về vàng, thứ chỉ mới xuất hiện sôi sục trên thị trường vài ba chục năm lại đây.
Suốt gần 30 năm, từ năm 1980 đến giữa năm 2007, giá vàng chỉ tăng hơn hai lần, từ 5 triệu lên 13 triệu đồng một lượng. Nhưng từ đó, mới hơn 3 năm, nghĩa là tới đầu tháng 11-2010, giá của thứ kim loại này đã tăng gần 3 lần - từ 13 triệu lên 38 triệu!
Đúng là cuộc sống người dân đã khấm khá hơn nhưng để có thể mua được vàng, như đồ trang sức chẳng hạn, mà mua ồ ạt như vậy thì không phải số nhiều. Vậy tại sao vàng lại sốt khủng khiếp thế? Muốn hiểu rõ nguyên nhân không khó, hãy nhìn lại những cơn sốt xã hội đã từng trải qua trong chừng chục năm nay như sốt xe máy, sốt nhà đất, sốt chứng khoán...
Cũng như những cơn sốt kia, có ba thành phần chính tạo nên vũ điệu sốt vàng làm điên đảo tâm lý xã hội.
Một: Rõ ràng là Ngân hàng Nhà nước chưa làm trọn trách nhiệm quản lý, điều hành vĩ mô của mình. Họ dự đoán, dự báo thiếu chính xác; xử lý tình huống bị động và thường chỉ đưa ra được những giải pháp tình thế. Nhiều năm nay, chúng ta đã chứng kiến sốt vàng và hầu như ngân hàng chỉ biết một giải pháp - nhập vàng để giảm sốt. Nhưng do giải pháp tạm thời nên sốt hạ cũng chỉ tạm thời. Như cuối năm ngoái giảm sốt vàng, ngân hàng đã nhập "cấp cứu", nhưng chỉ thế thôi nên giờ sốt tái phát, nhiệt độ cao hơn nhiều. Và phương pháp điều trị "gia truyền" lại được áp dụng - nhập vàng...
Hai: Thực tế cho thấy nguồn thông tin đồn thổi thường không thống nhất, thiếu chính xác và dẫn đến những suy đoán, đồn thổi nguy hại hơn. Lại có những người vì lợi ích cá nhân, đã cố tình rò rỉ những thông tin thất thiệt gây náo loạn; chưa nói tới những trường hợp bị mua chuộc để cố tình thông tin sai. Sốt vàng, cũng như những cơn sốt khác, là do những kẻ đầu cơ, trục lợi cố tình tạo dựng chứ không thể là do "nhu cầu vàng trong dân chúng còn rất lớn" và "trong dân còn găm tới 1.000 tấn vàng"...
Ba: Dù đã được thông tin nhiều, cảnh báo nhiều nhưng rõ ràng là tâm lý đám đông trong mua bán, làm ăn của dân ta vẫn còn rất nặng nề. Người ta thường nghe tin đồn và chạy theo số đông chứ không tin những thông tin chính thức, những lời khuyên của chuyên gia và tư duy đó đã được những kẻ cơ hội tận dụng tối đa.
Đó chính là "ba chân" tạo nên vũ điệu "sốt vàng" vừa qua. Nhưng câu hỏi đặt ra là:
- Tại sao ba bộ phận riêng biệt ấy lại có thể phối hợp, hiệp đồng với nhau mau chóng, chính xác tới vậy để tạo nên một dịch sốt "hiệu quả" đến vậy? Chưa giải thích được, chưa ngăn chặn được thì giá vàng còn nhảy múa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.