Vàng vọt lên mức cao nhất trong hơn 5 tháng qua vào phiên 4/9 trên thị trường châu Á khi số liệu yếu kém của lĩnh vực chế tạo trên thế giới tiếp tục làm gia tăng những đồn đoán về khả năng nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trên Sàn giao dịch Singapore, giá vàng giao ngay có lúc chạm mức cao nhất kể từ giữa tháng 3/2012 với 1.696,36 USD/ounce, trước khi dừng ở 1.695,49 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn giao dịch điện tử tại đây tăng 0,6% lên 1.698 USD/ounce. Mở cửa phiên này tại Hồng Kông, giá vàng giao ngay cũng tăng 5,41 USD lên 1.701,35 USD/ounce.
Đêm trước tại London, giá vàng đã tăng lên mức cao nhất trong khoảng 5 tháng qua và như vậy vẫn tiếp tục xu hướng mạnh lên sau khi người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke cho biết FED sẵn sàng hành động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thông báo này tất nhiên khiến nhà đầu tư đổ dồn vào vàng. Trên bảng điện tử cuối ngày 3/9, giá vàng giao tháng 12/2012 tăng 0,43% lên 1.694,60 USD/ounce, khi thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ.
Tính trong tháng 8/2012, giá vàng đã tăng thêm 4,8% - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2012 và có tháng tăng thứ ba liên tiếp, chủ yếu là do những đồn đoán về khả năng FED sẽ khởi động một chương trình thu mua trái phiếu khác để giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp.
Dầu thô lên giá tại châu Á
Dầu thô tăng giá trên thị trường châu Á trong phiên sáng 4/9, khi số liệu yếu kém của lĩnh vực chế tạo tại châu Âu và Trung Quốc làm giới đầu tư thêm hy vọng về các biện pháp kích thích kinh tế mới từ các ngân hàng trung ương.
Sáng cùng ngày trên Sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 10/2012 tăng 78 xu lên 97,25 USD/thùng và giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 37 xu lên 116,15 USD/thùng.
Theo Nick Trevethan, nhà chiến lược hàng hóa hàng đầu thuộc ANZ Research tại Singapore, nhà đầu tư hy vọng ngân hàng trung ương của Trung Quốc và châu Âu sẽ sớm đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế sau khi có số liệu yếu hơn dự kiến của lĩnh vực chế tạo trong nước và khu vực.
Ngày 3/9, Trung Quốc công bố số liệu cho thấy hoạt động chế tạo của nền kinh tế tiêu thụ nhiều năng lượng nhất thế giới này đã giảm tháng thứ 10 liên tiếp xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm qua vào tháng 8/2012. Các chuyên gia phân tích cho rằng sự sa sút này cho thấy gói kích thích kinh tế mà Trung Quốc đưa ra trước đây là không đủ và họ cần có thêm các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế hơn nữa.
Tại châu Âu, số liệu do Công ty nghiên cứu Markit thông báo đầu tuần cho hay hoạt động chế tạo trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm tháng thứ 7 liên tiếp trong tháng 8/2012 và như vậy đã giảm mạnh hơn dự kiến.
Mọi con mắt đang dõi theo cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 6/9 tới với dự kiến Chủ tịch ECB Mario Draghi sẽ tiết lộ chương trình thu mua trái phiếu của các quốc gia nặng nợ như Italia và Tây Ban Nha.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.