(HNM) - Mặc dù vàng không được công nhận là một phương tiện thanh toán nhưng hiện nay, việc giá vàng tăng giảm thất thường và vẫn ở mức cao đang tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường với nền kinh tế...
Giá vàng trong nước lên theo giá thế giới, để rồi không ít người dân quy giá một số loại hàng hóa theo giá vàng và như vậy không ít mặt hàng sẽ lại tăng giá gây ra lạm phát (ngày 22-7, giá vàng SJC mua vào: 3.922.000đ/chỉ, bán ra: 3.930.000đ/chỉ). Giá vàng tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán, vốn đang rất trầm lắng. Giá bất động sản hiện nay khá thấp, nhà đầu tư có thể mua được, nhưng khi giá vàng "leo thang" nhà đầu tư lại đắn đo, cho rằng mua nhà không lợi bằng mua vàng. Theo các công ty môi giới nhà đất, dù giao dịch bất động sản lâu nay không thanh toán bằng vàng, nhưng những nhà đầu tư bất động sản luôn quy theo giá vàng tương ứng để xem tỷ lệ lỗ lãi thế nào mới quyết định mua hay bán. Kênh đầu tư chứng khoán cũng vậy, giá chứng khoán cũng đang ở mức rất thấp (có những mã cổ phiếu giá đang ở dưới mức sàn) có thể đầu tư, tuy nhiên những người đang muốn đầu tư vào chứng khoán lại thấy vàng lên cả triệu đồng, hơn triệu đồng/lượng trong vòng chưa đầy một tuần lễ cũng phải xem xét lại. Đại diện một công ty chứng khoán cho rằng, việc giá vàng tăng nhanh cùng tâm lý e ngại lạm phát cao sẽ khiến nhà đầu tư tạm thời rút khỏi thị trường chứng khoán. Giữ tiền trong tài khoản chứng khoán lúc này cũng không phải là lựa chọn của các nhà đầu tư ngắn hạn do diễn biến không mấy sáng sủa của thị trường trong thời gian gần đây.
Việc giá vàng tăng sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến kênh tiền gửi, vốn là kênh đầu tư tăng trưởng khá nhất trong những tháng qua. Như vậy, nếu giá vàng tiếp tục "leo thang" theo giá thế giới, việc giảm dần lãi suất của các ngân hàng ở nước ta sẽ khó khăn hơn, khi kênh tiền gửi không phát triển được. Đã vậy, khi giá vàng tăng mạnh, sẽ xuất hiện tình trạng nhập lậu vàng và ảnh hưởng đến tỷ giá ngoại tệ là điều khó tránh khỏi. Khi tỷ giá có biến động, thì doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Bởi, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trong 6 tháng đầu năm nay khá cao và các khoản vay sẽ tập trung đáo hạn vào thời điểm cuối năm, nếu lúc đó tỷ giá biến động tăng, thì các khoản vay để đáo hạn, hay giải chấp sẽ như kiểu "đổ dầu vào lửa".
Hiện nay Ngân hàng Nhà nước không cấp phép cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng. Trong khi đó, ngành hải quan vừa công bố, kim ngạch xuất khẩu kim loại quý trong tháng 6 đạt 806 triệu USD và 6 tháng đầu năm nay đạt 1,2 tỷ USD. Việc này đã giúp nhập siêu trong tháng 6 chỉ còn 160 triệu USD, bằng 1,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong tháng 6, việc các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều vàng như thế liệu có thể xảy ra tình trạng thiếu vàng vào những tháng cuối năm, nếu nhu cầu mua vàng tăng và ngành chức năng tiếp tục cấm nhập khẩu vàng? Như vậy, vàng nhập lậu sẽ có cơ hội tràn vào thị trường trong nước, bài toán vàng và tỷ giá ngoại tệ sẽ trở lại, mang theo những hệ lụy khôn lường cho nền kinh tế. Vậy, hơn bao giờ hết, các ngành chức năng cần có biện pháp giám sát chặt vấn đề này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.