(HNM) - Sau những ngày dài không ngừng lao dốc, giá dầu thế giới đã phục hồi trong phiên giao dịch đầu tuần. Nguyên nhân chủ yếu khiến giá dầu bất ngờ bật tăng trong những phiên giao dịch vừa qua là do bờ Đông nước Mỹ và nhiều khu vực tại Châu Âu, Châu Á đang hứng chịu những ngày giá rét lịch sử.
Công nhân ở New York (Mỹ) dọn dẹp tuyết. |
Bão tuyết tấn công khiến nhu cầu dầu sưởi ấm của người dân tăng lên. Giới đầu tư cũng hy vọng Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) và Nhật Bản sẽ công bố thêm biện pháp kích thích kinh tế nhằm đẩy nhu cầu tiêu thụ "vàng đen". Trên sàn giao dịch Singapore, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 3-2016 đã tăng 46 cent lên 32,65 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ tăng 56 cent lên 32,74 USD/thùng.
Thế nhưng, đợt bão tuyết được xem là lớn nhất trong lịch sử khí tượng Mỹ cũng như nhiều quốc gia trên thế giới chưa đủ mạnh để ngăn đà đi xuống của giá dầu. Bởi lẽ, nhu cầu tiêu thụ "vàng đen" không tăng bao nhiêu và các nhà đầu tư đang chờ đợi ngày tuyết tan. Sau khi phục hồi được chút ít, giá dầu mỏ tại thị trường New York (Mỹ) chốt phiên giao dịch sáng 26-1 (giờ Hà Nội) lại quay đầu đi xuống, dưới 30 USD/thùng. Trong khi đó, tại sàn giao dịch London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 3-2016 giảm còn 29,98 USD/thùng. Giới kinh doanh Mỹ không loại trừ khả năng giá dầu có thể "hạ cánh" ở mức 25 USD/thùng khi dự trữ dầu thương mại của nền kinh tế số một thế giới vẫn ở mức cao nhất kể từ năm 2004.
Không kéo thêm được đà đi lên của giá dầu, nhưng bão tuyết lịch sử "Snowzilla" đang tác động đến cuộc sống của hàng triệu dân ở Đông Bắc nước Mỹ. Đến ngày 26-1, đã có ít nhất 36 người thiệt mạng trong đợt giá lạnh đầu tiên của mùa đông này. Thiệt hại kinh tế ước tính lên tới hàng tỷ USD. Sau bão tuyết lịch sử, nhiều thành phố của Mỹ đang lao vào dọn dẹp những đống ngổn ngang. Nhiều cơ quan công quyền tại thủ đô Washington DC đã mở cửa trở lại; song, các trường học tiếp tục vẫn đóng cửa và Hạ viện Mỹ sẽ nghỉ họp trong suốt tuần này. Hệ thống tàu điện ngầm cũng đã hoạt động trở lại, trong khi chỉ có một số chuyến bay được phép cất cánh từ hai Sân bay Reagan và Dulles. Hơn 2.500 máy cào tuyết đang làm việc hết công suất để dọn dẹp đường phố thủ đô nước Mỹ...
Trung Quốc, Hàn Quốc, các khu vực phía Tây Nhật Bản và các vùng duyên hải nước này cũng phải hứng chịu những cơn mưa tuyết dày trong nhiều giờ. Đã có 8 người thiệt mạng và hơn 600 người bị thương do thời tiết khắc nghiệt trong mấy ngày qua tại xứ Phù tang. Tuyết rơi dày kỷ lục đã làm gián đoạn các mạng lưới giao thông chính và khối khí lạnh kỷ lục vẫn đang bao phủ Nhật Bản. Tại đảo Okinawa lần đầu tiên người ta thấy tuyết trong gần 40 năm qua và đây mới là lần thứ hai tuyết rơi trên đảo. Đảo Amami có khí hậu cận nhiệt đới cũng lần đầu tiên có tuyết rơi từ 115 năm trở lại đây. Mức nhiệt thấp kỷ lục cũng được ghi nhận ở nhiều nơi tại khu vực Kyushu vốn có khí hậu ôn hòa...
Biến động của giá dầu cùng nền nhiệt giảm sâu bất thường những ngày qua cho thấy, thị trường "vàng đen" tỏ ra "nhạy cảm" với các nhân tố biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Trước "vũ điệu" bất thường của giá dầu, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mới đây đã dự báo về "một quá trình tái cân bằng" giá dầu sẽ bắt đầu trong năm 2016. Quá trình này không gì khác ngoài chiến lược duy trì sản lượng dầu của OPEC nhằm bảo vệ thị phần cho dù giá dầu đã dưới ngưỡng 30 USD/thùng, từ mức 100 USD/thùng năm 2014.
Nhưng, OPEC hẳn cũng bị bất ngờ khi chiến lược giảm giá của tổ chức này bị thách thức không phải từ các đối thủ cạnh tranh. Cơn thịnh nộ của thiên nhiên đo bằng cảm nhận đến tê cóng vì giá rét đang trải dài trên thế giới cho thấy: Biến đổi khí hậu đang không chỉ tác động lên giá dầu mà còn làm đảo lộn cuộc sống của người dân tại bất kỳ quốc gia nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.