Tài chính

Giá USD tự do tiến sát mốc 25.700 đồng, TTCK có bị ảnh hưởng?

Tin, ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức 05/03/2024 - 17:48

Giá USD trên thị trường tự do sáng nay (5-3) tiếp tục lập đỉnh mới khi tăng tới 90 đồng, đưa giá bán lên vùng cao nhất lịch sử, gần 25.700 đồng/USD, cao hơn tại ngân hàng tới 1.000 đồng/USD.

Chú thích ảnh
Giá USD trên thị trường tự do lập đỉnh mới, tăng lên gần 25.700 đồng/USD trong ngày 5-3.

Ghi nhận tại các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do ở TP Hồ Chí Minh, giá giao dịch USD phổ biến quanh mức 25.540 - 25.670 đồng/USD (mua vào - bán ra). Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đây là vùng giá cao nhất của giá USD trên thị trường tự do từ trước đến nay, phá vỡ kỷ lục cũ là 25.500 đồng/USD vào tháng 10-2022.

Theo đó, giá USD tự do hôm nay tăng 60 đồng/USD ở chiều mua vào và tăng 90 đồng ở chiều bán ra. Trong khi phiên trước đó, ngày 4-3, giá tỷ giá USD tự do cũng tăng mạnh lên đến 110 - 140 đồng/USD ở chiều mua vào và bán ra.

Như vậy, qua 2 phiên, giá USD tự do đã tăng 170 đồng/USD ở chiều mua vào và tăng 230 đồng ở chiều bán ra. Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá USD tự do đã tăng khoảng 920 đồng ở chiều mua và tăng 970 đồng ở chiều bán.

Tại các ngân hàng, giá USD niêm yết vẫn duy trì ở mức gần 24.900 đồng/USD. Cụ thể, khoảng 12h ngày 5-3, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 24.480 - 24.850 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng 10 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với sáng 4-3.

Cùng thời điểm, VietinBank giao dịch USD ở mức giá 24.448 - 24.868 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng 7 đồng ở cả 2 chiều so với sáng 4-3.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính - kinh tế, hiện giá USD giữa thị trường tự do và ngân hàng chênh lệch khá lớn. Mỗi đồng USD mà ngân hàng mua vào đang thấp hơn 1.000 đồng so với thị trường tự do, trong khi bán ra cũng kém hơn khoảng 700 - 800 đồng.

Nguyên nhân sự chênh lệch này có thể do tình trạng găm giữ ngoại tệ trong bối cảnh đồng USD liên tục tăng tại thị trường trong nước lẫn thế giới. Hiện nay, chỉ số US Dollar Index (đo lường biến động của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt) vẫn duy trì dưới mức 104 điểm. Chỉ số DXY vào khoảng 12h ngày 5-3 (giờ Việt Nam) ở mức 103,86 điểm, tăng 0,03% so với phiên liền trước.

Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán VPBankS, trong trường hợp tỷ giá biến động quá khoảng 2,7 - 3% có thể tạo ra một nhịp điều chỉnh đối với thị trường chứng khoán. Các yếu tố tác động đến tỷ giá giai đoạn hiện tại đầu tiên vẫn từ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức rất cao, khoảng 500 điểm cơ bản. Yếu tố thứ hai có thể đến từ chênh lệch tại những tài sản như vàng.

Thực tế cho thấy, thời gian vừa qua, chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng trong nước đang ở mức khá cao, tạo ra nhu cầu rất lớn để nhập khẩu vàng, trong đó có vàng trang sức, vàng nhẫn. Riêng trong ngày 5-3, giá vàng thế giới tăng mạnh thêm 28 USD, giao dịch quanh mức 2.112 USD/ounce, điều này cũng đã kéo theo giá vàng trong nước tăng từ 500.000 - 700.000 đồng/lượng, nâng giá vàng niêm yết lên từ 78,90 - 80,90 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Đây cũng là yếu tố khiến nhu cầu USD tăng cao trong thời điểm ngắn hạn, gây ra ảnh hưởng đến tỷ giá.

Cùng với đó, câu chuyện nhà đầu tư nước ngoài rút bớt vốn trên thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2023 cũng là một yếu tố khiến nhu cầu USD trên thị trường căng thẳng hơn.

Mặt khác, dự báo Fed có thể sẽ hạ lãi suất vào giữa năm nay, sẽ tác động tích cực đến thị trường tỷ giá vì có thể làm giảm bớt chênh lệch lãi suất giữa VND và USD. Bên cạnh đó, trước giá vàng tăng quá cao trong thời gian gần đây, Chính phủ có thể sẽ sớm sửa đổi quy định quản lý thị trường vàng trong thời gian tới để đảm bảo cung ứng vàng cho nhu cầu mua tiêu dùng, giảm bớt sự chênh lệch. Điều này cũng có thể giảm bớt áp lực lên tỷ giá.

Ngoài ra, xuất khẩu đang tăng tốc trở lại và thặng dư từ xuất khẩu vẫn đang duy trì ở mức tốt. Cụ thể, vốn FDI vào Việt Nam vẫn đang tăng trưởng dương cùng dòng vốn kiều hối là những nguồn cung USD trên thị trường. Đây cũng sẽ là một trong những yếu tố giúp cho tỷ giá USD/VND có thể tiếp tục giữ ổn định trong năm nay, mặc dù có thể sẽ vẫn mất giá nhẹ.

Với những yếu tố phân tích trên, ông Trần Hoàng Sơn nhận định, tỷ giá các năm đều thường mất giá ổn định ở dưới khoảng 2%. Nếu giữ ổn định ở mức này, thị trường chứng khoán sẽ không tác động quá nhiều. Tuy nhiên, khi tỷ giá bị mất trên 3%, điều này sẽ tác động đối với nền kinh tế, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ rút bớt vốn khi tỷ giá bị biến động mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giá USD tự do tiến sát mốc 25.700 đồng, TTCK có bị ảnh hưởng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.