Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá thuốc “leo” theo giá vàng, USD

Đức Trung| 22/02/2011 07:39

(HNM) - Thị trường vàng và USD biến động bất thường, trên thị trường tuy chưa có sự điều chỉnh giá chính thức nhưng giá một số loại thuốc nhập khẩu đã bắt đầu tăng, nhất là thuốc kháng sinh nhập ngoại và thuốc đặc trị với mức tăng từ 5% đến 10%. Với 49% tỷ trọng là thuốc nhập ngoại, 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước cũng phải nhập khẩu thì điệp khúc tăng giá khi tỷ giá ngoại tệ thay đổi sẽ còn kéo dài.


Đã tăng rả rích, sẽ có biến động


Người dân mua thuốc tại một cửa hàng trên phố Tràng Thi. Ảnh: Khánh Nguyên

Trao đổi với phóng viên Hànộimới sáng 21-2, chủ một số nhà thuốc trên phố Quán Sứ cho biết, họ đã nhận được thông báo về việc doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất sẽ điều chỉnh giá một số mặt hàng thuốc với biên độ tăng từ 3% đến 10%. Khảo sát trên thị trường, giá nhiều loại thuốc đã tăng như Furosemid tăng từ 5% đến 10%, Nifedipine hay Amlor tăng từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/hộp, Panadol Extra tăng 10.000 đồng/hộp, thuốc điều trị huyết áp Exfort của Pháp nhảy vọt từ 540.000 đồng lên 590.000 đồng một hộp (28 viên)...

Theo chị Nguyễn Thị Hương, nhân viên quầy bán lẻ thuốc ở cổng Bệnh viện Mắt Hà Nội, thuốc điều chỉnh tăng giá đợt này hầu hết là thuốc nhập khẩu, trong khi giá của các thuốc này vốn đã rất cao, chẳng hạn như Viatril.S khoảng 400.000 đồng/hộp; Voltaren: 95.000 đồng/hộp 5 ống. Cũng theo nhân viên này, tình trạng tăng giá thuốc đã xuất hiện từ cuối năm 2010 và đầu tháng 1 đến nay, nhưng tăng theo kiểu "rả rích" chứ không phải rõ rệt như tại thời điểm này.

Cuối năm 2010, Bộ Y tế đã có công văn gửi các công ty kinh doanh, sản xuất dược về việc bình ổn giá thuốc đến hết tháng 3-2011. Tuy nhiên, ngay trong tháng 1-2011, kết quả khảo sát của cơ quan chức năng tại 53 cơ sở đã có 21 cơ sở có điều chỉnh giá thuốc. Trong 8.704 lượt mặt hàng thuốc nội và ngoại được khảo sát, có tới 116 lượt mặt hàng tăng giá với mức tăng trung bình 6,1%.

Một cán bộ ngành dược cho hay, hiện tại, thuốc sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng khoảng 51%, trong đó hơn 90% các nguyên liệu sản xuất và phần lớn nguyên liệu để làm bao bì thuốc phải nhập khẩu. Thuốc nhập khẩu chiếm tỷ trọng khoảng 49% lại là các loại thuốc đặc trị, thuốc kháng sinh, nên việc các doanh nghiệp điều chỉnh giá thuốc chỉ là chuyện sớm hay muộn. Với tình hình tỷ giá ngoại tệ nhiều bất ổn như hiện nay, chắc chắn giá thuốc cũng sẽ có biến động.

Không có mức trần, tăng vô tội vạ?

Dường như, việc các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc sẽ điều chỉnh giá trong thời gian tới là chuyện tất yếu. Nhưng điều chỉnh thế nào với mức bao nhiêu cho hợp lý, không ảnh hưởng nhiều đến người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo, là điều mà các cơ quan quản lý cần quan tâm. Mặc dù, Luật Dược và các thông tư, nghị định hướng dẫn đã quy định từ 6 tháng đến 1 năm, cơ quan chức năng phải công bố giá thuốc tối đa một lần. Nhưng đến nay sau 5 năm có luật, giá thuốc tối đa vẫn chưa được công bố. Hoạt động đấu thầu thuốc vào bệnh viện hiện cũng khó kiểm soát về giá (trên thực tế, một số mặt hàng có giá đấu thầu cao hơn giá thị trường), do thuốc là mặt hàng đặc thù. Nhiều chuyên gia y tế còn lo ngại, thời gian tới có thể xảy ra tình trạng các doanh nghiệp bỏ không tham gia thầu thuốc tại các bệnh viện, vì thuốc đã được đấu thầu từ cuối năm 2010 và một số bệnh viện thì lấy giá của năm 2010 để sử dụng đến giữa năm 2011. Do đó, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng nghị định về đấu thầu thuốc và quý III-2011 sẽ trình Chính phủ.

Để kiểm soát được giá thuốc, theo dược sỹ Nguyễn Văn Luân, hội Dược học Việt Nam, Cục Quản lý Dược cần phối hợp với các cơ quan liên quan (Ban Vật giá Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại…) quản lý đăng ký thuốc đầu vào thật chặt. Có như vậy mới hy vọng hạn chế tình trạng "tát nước theo mưa", cứ tỷ giá ngoại tệ thay đổi thì tăng giá thuốc như thời gian qua. Song giải pháp căn cơ nhất là đẩy mạnh việc xây dựng các nhà thuốc Thực hành thuốc tốt (GPP) và xây dựng nhiều cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt (SMP), sản xuất được nhiều chủng loại thuốc (kể cả mặt hàng và số lượng) nhằm chủ động khi có biến động giá từ các thuốc nhập ngoại. Đây là việc cần phải có thời gian nhưng việc có thể làm ngay là ban hành quy chế bắt buộc bác sỹ kê đơn thuốc cho bệnh nhân phải kê theo tên gốc (generic), tránh trường hợp bác sỹ móc ngoặc với trình dược viên kê tên thuốc biệt dược có giá cao (vì giá cao thì hoa hồng sẽ cao), dù có tác dụng như nhau. Chẳng hạn, một dược chất Paraxitamol có đến trên 200 tên khác nhau, mỗi tên là một giá, nếu bác sỹ kê đơn là Paraxitamol thì giá rất rẻ, trong khi chất lượng không thua kém.

Về phía bệnh nhân, các bác sỹ khuyến cáo nên tìm đến nhà thuốc nào có niêm yết giá đầy đủ. Trước khi đi mua cần tham khảo ý kiến của những người đã mua, xem cùng một loại thuốc đó, nơi nào bán rẻ hơn mà vẫn đạt hiệu quả. Qua thực tế khảo sát, những nhà thuốc có uy tín, thu hút được nhiều bệnh nhân đến mua thường là những nhà thuốc bán đúng giá.

Tại hội nghị công tác quản lý dược do Bộ Y tế tổ chức chiều 21-2, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Việt Nam, cho biết: Trong số 28.816 mẫu thuốc được kiểm nghiệm trong năm 2010, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 900 mẫu thuốc không đạt chất lượng (24 mẫu là thuốc kháng sinh, tiêu hóa, chống viêm, tim mạch, giảm đau nhập khẩu từ Ấn Độ, Hàn Quốc…).

Cũng theo ông Cường, năm 2010 chỉ có gần 5% mặt hàng thuốc tăng giá, so với chỉ số CPI chung, dược phẩm đứng thứ 9/11 nhóm hàng trọng yếu về mức độ tăng giá. Tổng giá trị tiền thuốc sử dụng trong năm 2010 là hơn 1,9 tỷ USD, trong đó trị giá thuốc trong nước là hơn 900 triệu USD. So với năm 2009 tiền thuốc bình quân đầu người năm 2010 là 22,25 USD (tăng 2,48 USD).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá thuốc “leo” theo giá vàng, USD

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.