Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá thịt lợn phía Nam vẫn ở mức cao

Minh Điền| 09/07/2020 10:18

(HNMO) - Lý giải về việc giá thịt lợn tại Việt Nam chưa thể xuống thấp như kỳ vọng trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phía Nam nhập khẩu lợn thịt từ Thái Lan cho biết, nguồn cung của nước bạn cũng hạn chế, chi phí vận chuyển cao, nên chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường nước ta.

Mỗi ngày có khoảng 5.000 con lợn thịt được đưa về chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền tại thành phố Hồ Chí Minh.

Giá thịt lợn vẫn ở mức cao

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới sáng 9-7 tại một số địa phương phía Nam, giá thịt lợn dù có biến động nhẹ trong mấy ngày qua, nhưng vẫn dao động xung quanh mức cao. Tại thành phố Hồ Chí Minh, giá thịt lợn hơi là 83.000 đồng/kg, tại Cần Thơ là 87.000 đồng/kg; cao nhất là tại Trà Vinh, giá lợn hơi lên đến 90.000 đồng/kg.

Tại chợ Tân Định, chị Võ Hồng My, 24 tuổi, ngụ tại phường 8, quận 1 cho biết, giá sườn non vẫn đứng ở mức 250.000 đồng/kg, ba rọi 230.000 đồng/kg, không thay đổi nhiều so với tuần trước đó.

Tại chợ đầu mối Hóc Môn, anh Trần Thúc Cảnh, 43 tuổi, thương lái từ tỉnh Đồng Nai mang lợn lên chợ bán buôn, cho biết, giá lợn hơi xuất chuồng tại các trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai là hơn 70.000 đồng/kg, cao hơn so với vài ngày trước 2.000 - 3.000 đồng/kg. “Đến tay thương lái, thịt lợn hơi phải tăng thêm 5.000-6.000 đồng/kg nữa, rồi mới đến tiểu thương bán lẻ, nên giá chưa thể xuống được”, anh Cảnh nói.

Khi được hỏi về giá thịt lợn nhập khẩu từ Thái Lan, đại diện Công ty TNHH một thành viên thương mại - dịch vụ Thùy Dương Phát (tỉnh Đồng Nai) cho biết, lợn Thái Lan chủ yếu nhập về cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), qua Lào về Việt Nam, bởi cung đường này gần hơn so với việc qua Campuchia về Tây Ninh. Riêng công ty đã nhập lô lợn Thái Lan đầu tiên về Việt Nam qua cửa khẩu Bờ Y (tỉnh Kon Tum).

Giá bán lẻ thịt móc hàm ở các chợ vẫn đứng ở mức cao.

“Tuy nhiên, giá thịt lợn xuất chuồng tại Thái Lan hiện đã tăng cao, lên mức 65.000 đồng/kg. Theo quy định của phía Thái Lan, doanh nghiệp phải kiểm dịch 5% tổng số lợn xuất khẩu trong 1 lô hàng, dẫn tới chi phí cao. Từ Thái Lan về Lào kiểm dịch 1 lần. Từ Lào về Việt Nam lại kiểm dịch lần nữa, sau đó cách ly phòng dịch. Vì vậy, giá bán buôn thịt lợn hơi Thái Lan tại Việt Nam có thể lên đến hơn 80.000 đồng/kg, cao không kém thịt trong nước, nên chưa thể khiến giá bán lẻ giảm”, đại diện doanh nghiệp cho biết.

Tái đàn trong nước vẫn là giải pháp lâu bền

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 30 doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký nhập khẩu 4,5 triệu con lợn từ 13 doanh nghiệp Thái Lan. Tuy nhiên, mới chỉ có 7 doanh nghiệp nhập gần 9.000 con về Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc doanh nghiệp Hương Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) cho biết, sản lượng lợn thịt của Thái Lan cũng chỉ khoảng 20 triệu con/năm (trong khi tổng đàn lợn tại Việt Nam vào thời điểm 31-12-2018 là hơn 31 triệu con). Lượng lợn dư xuất khẩu thời gian qua là do nguồn cầu giảm, do khách du lịch chưa quay lại Thái Lan sau dịch Covid-19, nên không nhiều và không lâu dài.

“Người chăn nuôi phải chi khoảng 6 triệu đồng trong 4 tháng để nuôi một con lợn để có thể xuất chuồng khi vật nuôi khoảng 90kg. Vì vậy, cần tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước nhanh chóng tái đàn thì mới có thể sớm cân bằng cung - cầu thị trường thịt lợn từ cuối năm nay”, bà Hương nhận định.

Lô lợn Thái Lan đầu tiên do Công ty Thùy Dương Phát nhập về Việt Nam qua cửa khẩu Bờ Y (tỉnh Kon Tum).

Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi tại Đồng Nai vẫn thận trọng khi tái đàn.

Những khó khăn mà doanh nghiệp phía Nam đang gặp phải khi tái đàn lợn là giá con giống cao, giá thức ăn chăn nuôi không giảm và nguy cơ dịch bệnh vẫn rình rập. Các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương đang chuẩn bị kế hoạch khả thi để giúp người chăn nuôi khắc phục những khó khăn này.

Về chủ động nguồn cung con giống, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cả nước hiện có 120.000 con lợn giống nguồn và 2,8 triệu con lợn nái. Với số lượng như vậy, sẽ cung cấp 11 triệu con lợn giống vào quý IV-2020, đủ nguồn con giống cho người chăn nuôi tái đàn.

Để phục vụ nhu cầu các tỉnh phía Nam, Tiến sĩ Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho biết Viện đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho xây dựng một trại lợn giống gốc tại Bình Thuận thuộc Trung tâm lợn giống Bình Thắng, với diện tích 75ha, theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu khoảng 500 nái; giai đoạn sau khoảng 700 nái để cung cấp con giống cho thị trường.

Về phía các địa phương, Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai cho biết, tính đến cuối tháng 6-2020, toàn tỉnh có 407 cơ sở chăn nuôi lợn đã tái đàn với tổng số lượng trên 277.000 con, đạt hơn 59% kế hoạch đề ra. Tính đến nay, tổng đàn lợn của Đồng Nai đạt trên 2 triệu con, vẫn giảm hơn 18% so với thời điểm chưa xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Còn tại An Giang, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trần Tiến Hiệp cho biết, năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có đàn lợn đạt khoảng 84.000 con, tăng 38% so cuối năm 2019 (tăng 31.000 con)...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giá thịt lợn phía Nam vẫn ở mức cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.