(HNM) - Buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng vào nội địa, tập trung về địa bàn Hà Nội đã và đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Dự báo, hoạt động này sẽ gia tăng trong những tháng cuối năm. Tăng cường công tác đấu tranh, bám sát địa bàn, chủ động phát hiện là yêu cầu được đặt ra đối với
Đánh giá về tội phạm này thời gian qua, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, tội phạm buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến đường bộ, hàng không, đường sắt và nhất là đường thủy quốc tế. Hàng lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng, nhất là các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán như quần áo, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, bánh kẹo, thuốc lá ngoại, rượu bia và cả lương thực, thực phẩm…
Theo Công an TP Hà Nội, quy mô hoạt động của các đối tượng buôn lậu thường khá lớn, với phương thức chủ yếu là tập kết hàng hóa tại các cửa khẩu ở các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh. Sau khi tập kết hàng, các đối tượng tiếp tục vận chuyển về các điểm kho chứa ở địa bàn giáp ranh Hà Nội như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, hoặc xuôi sông Hồng về cảng Hà Nội, xé lẻ hàng hóa cho các loại xe 500kg, 1.250kg, xe 3 bánh tự dóng để vận chuyển vào các điểm buôn bán trong nội thành. Gần đây, hoạt động buôn lậu qua đường hàng không cũng “nóng”, điển hình là vụ cơ quan chức năng phá vụ vận chuyển gần 1.200kg ngà voi từ Cộng hòa Kenya về Việt Nam…
Một tuyến giao thông khác cũng đang bị tội phạm buôn lậu triệt để khai thác là tuyến đường sắt Bắc - Nam. Do đặc thù liên tuyến, liên tỉnh, để phá các vụ buôn lậu trên tuyến đường sắt cần có sự phối hợp của công an nhiều địa phương và đặc biệt là lực lượng của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm buôn lậu - Bộ Công an. Lực lượng này mới được thành lập hơn 1 năm nhưng đã cho thấy hiệu quả cao trong công tác, khi liên tục phá các vụ buôn lậu trên tuyến đường sắt. Như vụ ngày 14-1, các trinh sát của Cục phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương kiểm tra 5 toa hàng hóa đi từ Ga Hà Nội tới Ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) phát hiện và tạm giữ một số lượng lớn hàng hóa không có hóa đơn chứng từ trị giá 2 tỷ đồng, gồm mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, ô mai của Trung Quốc, văn phòng phẩm, quần áo. Đặc biệt là vụ chặn tàu hỏa từ Hà Nội đến Ga Biên Hòa (Đồng Nai) vào giữa tháng 5 vừa qua, thu 25 tấn hàng hóa gồm túi xách, quần áo, linh kiện phụ kiện điện tử, mỹ phẩm, đồng hồ…, ước tính trị giá 12 tỷ đồng. Sau đó một tháng, trong các ngày 16 và 17-6, cũng tại Ga Biên Hòa, công an kiểm tra tàu TN1 chạy từ Hà Nội vào, bắt giữ khoảng 50 tấn hàng…
Thực tiễn trên cho thấy những diễn biến phức tạp và gia tăng của tội phạm buôn lậu. Đi đôi với đó là sự đối phó, thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi hơn. Để khắc phục khó khăn, đấu tranh hiệu quả với tội phạm buôn lậu, nhất là buôn lậu trên tuyến giao thông, Công an thành phố cho biết đã và đang xây dựng, triển khai các chuyên đề phòng chống buôn lậu. Cơ quan công an sẽ tung trinh sát vào các tuyến, địa bàn trọng điểm, đồng thời tăng cường thu thập thông tin từ nhân dân, từ các địa bàn đầu - cuối tuyến… Công tác chống buôn lậu cũng sẽ được kết hợp với các hoạt động nghiệp vụ khác trên các lĩnh vực quản lý nhà nước về kinh tế, tăng cường trong các đợt cao điểm tấn công tội phạm, nhất là cao điểm bảo đảm ANTT phục vụ các ngày lễ lớn từ nay đến cuối năm và Tết Nguyên đán…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.