(HNM) - Người chăn nuôi bò sữa cả nước đang ngồi trên đống lửa vì giá sữa tươi tiếp tục giảm mạnh.
Thiếu minh bạch, người chăn nuôi thiệt thòi
Ông Lã Văn Thảo, Trưởng phòng Gia súc lớn, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, cả nước có trên 300.000 con bò sữa với sản lượng sữa đạt 727.000 tấn, chỉ đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu tiêu thụ của người dân. Dù sản lượng thấp nhưng người chăn nuôi vẫn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ do giá sữa tươi trong nước cao hơn giá sữa bột nhập khẩu. Hiện giá sữa tươi trong nước dao động trong khoảng 11.000-13.500 đồng/kg, nhưng giá ở các nước như Australia, Mỹ, Châu Âu chỉ 7.000-8.000 đồng/kg. Giá sữa có chênh lệch khá cao nên doanh nghiệp chuyển sang nhập khẩu sữa bột về để hoàn nguyên, đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Mặt khác, sự thiếu minh bạch thông tin ghi trên nhãn mác sản phẩm của các nhà nhập khẩu dẫn tới nhập nhèm giữa sữa tươi, sữa bột hoàn nguyên đã đánh lừa người tiêu dùng, khiến sữa tươi sản xuất trong nước càng khó tiêu thụ.
Người chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn do giá sữa tươi tiếp tục giảm mạnh. Ảnh: Bá Hoạt |
Tại Hà Nội, sau thời điểm tham gia dự án "Nâng cao kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bò" của tổ chức JICA (Nhật Bản), phong trào chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh tại các huyện Ba Vì, Gia Lâm, Đông Anh, Quốc Oai… Hiện tổng đàn bò sữa của thành phố là hơn 15.300 con. Hai năm trở lại đây, các hộ chăn nuôi bò sữa ở Hà Nội ăn ngủ không yên vì giá sữa giảm sâu. Ông Chu Đức Dũng, hộ chăn nuôi bò sữa ở xã Tản Lĩnh (Ba Vì) cho biết, chưa năm nào người chăn nuôi lại gặp khó khăn về tiêu thụ như năm nay, giá sữa giảm thê thảm từ 11.000 - 11.500 đồng/kg, xuống chỉ còn 9.000 đồng/kg.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng (Gia Lâm) Nguyễn Văn Hưng, xã có khoảng 700 hộ nuôi bò sữa với 2.000 con, sản lượng sữa 16 tấn/ngày, trong đó Công ty cổ phần Sữa Vinamilk tiêu thụ 2/3, còn lại Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP) thu mua. Tuy vậy, khâu thu mua thiếu ổn định, nhất là mùa đông rất khó tiêu thụ, khiến nguồn cung dư thừa. Ngoài ra, nông dân chưa có điều kiện đầu tư trang thiết bị bảo quản sữa nên giá rẻ cũng phải bán cho nhà máy. Ông Lê Tiến Dũng, đại diện Công ty IDP thông tin thêm: Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ sữa vào mùa đông nên chỉ thu mua sữa cho các hộ bảo đảm cam kết theo hợp đồng. Với các hộ phá vỡ hợp đồng, bán sữa ra ngoài khi giá sữa tăng cao, doanh nghiệp sẽ không mua.
Cần có trung gian kết nối sản xuất - tiêu thụ
Bà Thái Hương, Tổng Giám đốc Tập đoàn TH True milk cho biết, Nhà nước đã có chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sữa tươi cho chương trình "Sữa học đường", nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sữa tươi trong nước, dứt khoát Nhà nước cần đứng ra làm khâu trung gian trong việc đưa doanh nghiệp vào trường học. "Muốn chăn nuôi bò sữa phát triển ổn định, bền vững, Nhà nước phải có quy hoạch vùng một cách cụ thể, không để xảy ra tình trạng tỉnh, thành phố nào cũng nuôi bò sữa, nhưng chủ yếu với quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, chất lượng sữa kém" - bà Hương chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, Việt Nam là một trong những nước nhập khẩu sữa lớn nhất thế giới (trung bình mỗi năm nhập khoảng 1,2-1,3 triệu tấn sữa), trong đó 70% là sữa bột hoàn nguyên. Hiện Bộ NN&PTNT đang thực hiện tái cơ cấu ngành, theo đó các địa phương dựa vào lợi thế để quy hoạch vùng trồng cỏ, nguồn thức ăn chăn nuôi đến xây dựng các nhà máy chế biến. Nâng cao nhận thức của nông dân trong việc ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bằng những điều kiện ràng buộc để bảo đảm quyền lợi hai bên. Nhà nước có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư lớn vào phát triển đàn bò sữa và sản xuất sữa tươi…
Như vậy, có thể thấy chính những bất cập của ngành "công nghiệp chế biến sữa" nội địa từ quy hoạch, sản xuất đến tiêu thụ đã dẫn đến hệ quả tất yếu là giá sữa tươi liên tục có diễn biến thất thường. Nếu không sớm khắc phục những vấn đề này, chuyện người chăn nuôi bò sữa thường xuyên lâm cảnh khó khăn sẽ còn lặp đi lặp lại nhiều lần.
Không thể "đánh đồng" chất lượng Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, thị trường Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào nguồn sữa nhập khẩu; sữa hoàn nguyên khó kiểm soát về chất lượng cũng như các thành phần dinh dưỡng. Do đó, để người tiêu dùng phân biệt và lựa chọn sản phẩm, cần kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu các doanh nghiệp không ghi chung chung là sữa tiệt trùng như hiện nay mà phải ghi rõ là sữa hoàn nguyên hoặc bao nhiêu phần trăm là sữa hoàn nguyên để người tiêu dùng lựa chọn, chứ không thể "đánh đồng" chất lượng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.