Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá sữa tăng – người tiêu dùng lại chịu thiệt

L.H| 25/02/2011 11:59

(HNMO) - Từ đầu năm đến nay, giá nhiều mặt hàng sữa kể cả nhập khẩu và sữa nội đều cùng điều chỉnh tăng giá. Hơn nữa, thông tin sẽ có hãng sữa sẽ tăng giá từ 1/3/2011, làm thị trường lại tiếp tục nóng nên, gia đình có con nhỏ đổ xô đi mua sữa tích trữ, các cửa hàng nhân cơ hội đó tự giá nâng giá vô tội vạ trước khi giá chính thức áp dụng, gây nhiều bất ổn.


Thực tế, Vinamilk là công ty mở màn điều chỉnh giá đầu tiên trong năm 2011, với việc tăng giá sữa bột các loại lên trung bình 12% kể từ ngày 1/1/2011. Tiếp theo đó, Mead Johnson điều chỉnh giá các sản phẩm Enfagrow, Enfakid khoảng 7-8% từ ngày 10/1/2011.

Bước sang tháng 2, Friso điều chỉnh giá hầu hết các sản phẩm sữa Friso từ 5-10% (từ ngày 8/2/2011). Hãng Cô gái Hà Lan (Dutch Lady) cũng đã “nhanh chân” tăng giá hầu hết các sản phẩm sữa bột từ 13-15% (áp dụng từ ngày 8/2/2011).



Giá sữa tăng, người tiêu dùng chịu thiệt.


Thêm nữa, thị trường sữa lại “phát sốt” khi từ ngày 1/3/2011, Công ty 3A công bố sẽ điều chỉnh giá bán các sản phẩm sữa của Abbott khoảng 12% để bù đắp cho sự tăng của tỷ giá ngoại tệ và chi phí tài chính, do sự điều chỉnh tỉ giá  đồng Việt Nam và đô la Mỹ trong thời gian qua. Giá bán của Abbott cho công ty 3A tính theo đô la Mỹ là không thay đổi. Các mặt hàng của Abbott đều là các mặt hàng nhập khẩu nguyên lon từ Châu Âu, Hoa Kỳ và Singapore.

Ngoài ra, do từ ngày 1/1/2011, nhà nước tăng thuế nhập khẩu từ 5% lên 10% với các sản phẩm sữa từ châu Âu và Hoa Kỳ, bao gồm cả các sản phẩm dinh dưỡng y học cho bệnh nhân như Ensure và Glucerna, do đó giá bán các sản phẩm này phải điều chỉnh cộng cả 2 mức tỷ giá ngoại tệ tăng và thuế nhập khẩu tăng là khoảng 17%.

Với một số sản phẩm sữa cho trẻ nhỏ thuộc dòng SmartChoice, bao gồm Similac, Similac Gain và Gain IQ, Công ty 3A thông báo bù lỗ để chỉ điều chỉnh giá khoảng 5%, chỉ đủ bù đắp cho thuế nhập khẩu tăng, nhằm hỗ trợ cho người tiêu dùng có thể sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng tiên tiến của Abbot.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã phải điều chỉnh tỷ giá hối đoái liên tục 2 lần trong 6 tháng: tháng 8/2010 (khoảng 3%) và 11/2/2011 (tới 9,3%), ảnh hưởng lớn đối với hàng hóa nhập khẩu. Dù trước ngày 11/2/2011, tỷ giá chính thức của Vietcombank vẫn là 19.500 đ/1USD nhưng thực tế từ tháng 10/2010, hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu đều phải mua USD ngân hàng với tỷ giá gần như giá của thị trường chợ đen (khoảng 21.000-21.500 đ/USD) do Ngân hàng áp thêm các khoản phí chuyển đổi ngoại tệ, theo đó việc tăng giá của các hàng hóa nhập khẩu là không thể tránh khỏi. Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ tăng thuế nhập khẩu sữa, bao gồm cả các loại dinh dưỡng y học của các nước không thuộc ASEAN (như Mỹ và châu Âu) thêm 5% (từ mức 5% lên 10%) bắt đầu từ ngày 1/1/2011 càng làm ảnh hưởng đến giá cả các loại sữa nhập khẩu.

Theo ý kiến một số chuyên gia, nếu Chính phủ xem xét bỏ việc tăng thuế nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như sữa cho trẻ em, nhất là các sản phẩm dinh dưỡng y học cho bệnh nhân sẽ giúp phần giảm bớt được sự tăng giá các mặt hàng thiết yếu đang ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Hơn nữa, các cơ quan quản lý thị trường cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát để các cửa hàng sữa phải bán theo giá niêm yết, không được “tát nước theo mưa”, nâng giá vô tội vạ như hiện nay.

Mặt khác, trả lời trên một số phương tiện thông tin đại chúng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính cho biết, hiện đã kiến nghị đơn vị quản lý thị trường của các địa phương rà soát việc tăng giá sữa của các doanh nghiệp.

Tại Thông tư 122/2010/TT-BTC có quy định rõ, sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi phải được các nhà sản xuất, các công ty nhập khẩu kê khai, đăng ký giá bán với cơ quan chức năng trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Đồng thời, mức giá đó sẽ được niêm yết và công khai thông tin tại các đại lý. Tuy nhiên, hiện ở đa số các điểm bán sữa, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đều không có bảng giá niêm yết. Theo đó, để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng cũng nên tham khảo bảng giá niêm yết tại các cửa hàng, đại lý mua sữa hoặc yêu cầu họ cho xem bảng giá để tránh tình trạng phải mua hàng với giá quá đắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá sữa tăng – người tiêu dùng lại chịu thiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.