Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu: “Điệp khúc” tăng nhanh, giảm chậm

Hương Ly| 08/11/2014 06:20

(HNM) - Từ 11h ngày 7-11, chỉ vài ngày sau khi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu vừa có hiệu lực, giá xăng A92 cũng tiếp tục giảm mạnh 950 đồng/lít, xuống mức 21.390 đồng/lít. Trong khi đó, tính từ tháng 6-2014 đến nay, giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới cũng đã giảm 15-20%.


Giá xăng giảm song giá nhiều hàng hóa, dịch vụ có xăng là nguyên liệu đầu vào chưa giảm.
Ảnh: Ngọc Châu


Nguyên, nhiên liệu đồng loạt giảm giá

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới đã giảm trên 20%. Mặc dù giá xăng trong nước giảm không tương xứng với giá thế giới, kể cả chưa tính đến đợt giảm giá ngày hôm qua thì từ đầu năm đến nay giá xăng dầu đã giảm 8 lần liên tiếp; thế nhưng, người tiêu dùng không thể không đặt câu hỏi vì sao cước vận tải hàng hóa, hành khách, cước taxi và giá nhiều mặt hàng tiêu dùng vẫn chưa giảm bớt, trong khi ngược lại, việc điều chỉnh tăng cước vận chuyển và tăng giá lương thực, thực phẩm thường diễn biến rất nhanh sau khi mặt hàng xăng, dầu tăng giá bán.

Chị Nguyễn Thị Hải - một người dân tại quận Long Biên, Hà Nội cho biết, kinh tế khó khăn khiến việc chi tiêu hằng ngày trong gia đình trở nên eo hẹp. Nếu giá thực phẩm giảm bớt theo giá xăng thì sẽ là tin vui với nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình có mức thu nhập thấp và trung bình. Thế nhưng, qua trao đổi với một số tiểu thương tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, đa số giá hàng hóa đều vẫn giữ nguyên so với thời điểm trước khi xăng dầu liên tiếp giảm giá. Nguyên nhân là giá bán buôn các mặt hàng lương thực, thực phẩm không hề điều chỉnh giảm khiến người bán hàng không thể giảm giá bán lẻ. Trên thực tế, tại các chợ dân sinh Hà Nội, giá các loại lương thực, thực phẩm vẫn giữ nguyên so với thời điểm trước khi giá xăng điều chỉnh giảm. Giá thịt bò vẫn ở mức 220-230.000 đồng/kg, thịt lợn 100.000 đồng/kg. Giá trứng gà, vịt vẫn lần lượt ở mức 35.000 và 32.000 đồng/chục. Các loại rau tươi như: rau muống, rau ngót, rau cải vẫn ở mức 7-8.000 đồng/ mớ. Các mặt hàng gạo cũng hầu như giữ nguyên giá bán, trong đó, gạo tám Hải Hậu, tám Điện Biên ở mức 18.000 đồng/kg, gạo Xi dẻo ở mức 14.000 đồng/kg. Giá cước taxi bình quân vẫn ở mức 12.000 đồng/km.

Tương tự với xăng dầu, số liệu của Bộ Công thương cũng cho thấy, trong tháng 10-2014, giá sữa bột gầy tại thị trường Châu Âu giảm 3,3% so với tháng trước, xuống còn 2.135 EUR/tấn. Tại các thị trường Tây Âu, Australia, sữa bột gầy giảm giá khoảng 550-1.075 USD/tấn, sữa bột nguyên kem giảm 150-925 USD/tấn. Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Văn Truyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho biết, tính từ tháng 6-2014, giá sữa nguyên liệu đã giảm khoảng 15%. Giá sữa nguyên liệu giảm, thế nhưng tại một số cửa hàng sữa trên địa bàn Hà Nội, sữa bột dành cho trẻ em vẫn giữ nguyên mức giá sau đợt điều chỉnh giảm mạnh theo quyết định áp trần giá sữa của Bộ Tài chính. Một số chủ cửa hàng sữa cho biết, hiện chưa thấy doanh nghiệp sữa nào thông báo giảm giá dù "có nghe nói" giá sữa thế giới giảm mạnh.

Giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp

Theo tính toán của Hiệp hội Taxi Hà Nội, tính từ đầu năm 2014 đến nay, giá xăng đã điều chỉnh tăng 5 lần, giảm 8 lần. Đợt điều chỉnh tăng giá cước taxi gần nhất vào thời điểm tháng 6-2013, tương ứng giá xăng là 24.110 đồng/lít, cước taxi tăng 500 đồng/km (bình quân từ 11.500 đồng/km lên 12.000 đồng/km). Riêng 3 hãng taxi: Mai Linh, Group, Vạn Xuân vào tháng 4-2014 điều chỉnh tăng thêm 1 lần so với thời điểm tháng 6-2013, với mức tăng từ 200-1.000 đồng/km, tùy loại xe. Về cước vận tải tuyến cố định, Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải ô tô Việt Nam cho biết, tuyến vận tải ô tô từ bến xe ô tô miền Đông đi miền Trung hiện có 4 DN vận tải giảm giá cước với biên độ nhẹ, khoảng vài phần trăm, các tuyến khác chưa có động thái giảm giá. Nguyên nhân là do chi phí nhiên liệu thời gian vừa qua có giảm, tuy nhiên một số chi phí tăng như chi phí nhân công, sửa chữa, phương tiện… nên DN cần cân nhắc việc giảm giá.

Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong cơ cấu giá cước vận tải taxi, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40-45%. Với biến động giá nhiên liệu bình quân 10 tháng năm 2014 thì chỉ có 3 DN có điều kiện xem xét giảm giá cước là Mai Linh, Group và Vạn Xuân. Để tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá cước vận tải, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với UBND các tỉnh giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp, kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với tác động của yếu tố đầu vào và mặt bằng giá thị trường. Đối với giá sữa bột, hiện chưa có doanh nghiệp sữa nào đăng ký giảm giá bán sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát sao giá sữa bột và có quyết định can thiệp theo đúng quy định hiện hành.

Mặc dù cơ quan quản lý đã có ý kiến như vậy, tuy nhiên, rõ ràng là với việc giá xăng liên tiếp giảm 9 lần tính từ đầu năm đến nay, việc điều chỉnh giảm giá tương ứng với các loại hàng hóa, dịch vụ ở thời điểm này là điều không thể không tính đến. Dư luận đang trông chờ những biện pháp điều hành giá phù hợp nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, để điệp khúc "tăng nhanh, giảm chậm" không còn tái diễn.

Xử lý nghiêm vi phạm về giá cước vận tải

Bộ Tài chính đã có Công văn số 16176/BTC-QLG về việc tăng cường công tác quản lý giá trên địa bàn. Theo Bộ Tài chính, sau nhiều lần giảm giá xăng dầu liên tiếp, giá các mặt hàng tiêu dùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của giá nhiên liệu trên thị trường chưa thể hiện rõ xu hướng giảm, trong đó có cước vận tải. Trước thực tế này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các DN vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ chấp hành nghiêm quy định về quản lý vận tải, giá cước vận tải. Các đơn vị chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định và yêu cầu DN vận tải tính toán lại giá thành, kê khai giá cước phù hợp với biến động của chi phí nhiên liệu.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu: “Điệp khúc” tăng nhanh, giảm chậm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.