Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá điện tăng bao nhiêu là hợp lý?

Theo VTV.vn| 17/02/2011 09:35

Mỗi năm, giá điện bình quân đều được điều chỉnh tăng, song đều thấp dưới 10%. Và trong năm nay, 5 phương án giá điện mà đề án giá điện trình lên Chính phủ đều đã vượt trên 2 con số.


Mỗi năm, giá điện bình quân đều được điều chỉnh tăng, song đều thấp dưới 10%. Và trong năm nay, 5 phương án giá điện mà đề án giá điện trình lên Chính phủ đều đã vượt trên 2 con số. Trong đó, đề xuất của Bộ Tài chính là giá điện sẽ tăng 11%, thấp hơn so với đề nghị của ngành điện được tăng lên 30%, còn Bộ Công thương với đề xuất phương án trung hòa nhất với mức tăng lên khoảng 18%.

Nếu giá điện tăng lên 18%, theo đề xuất của Bộ Công thương, thì mỗi kwh điện sẽ tăng khoảng 160 đồng (tương đương với mức giá 1.200 đồng/kwh).

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, theo đề xuất này, tổng số tiền điện nền kinh tế sẽ phải trả thêm khoảng 19.000 tỉ đồng, trong đó, các ngành sản xuất sẽ phải chịu thêm chi phí gần 10.000 tỉ đồng, còn đối với các hộ cá nhân, số tiền điện phải trả hàng tháng sẽ tăng thêm từ 5.000 đến 140.000 đồng. Tuy nhiên theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, mức tăng này phải lên tới 35% để giúp cho ngành điện thoát khỏi tình trạng thua lỗ và có nguồn để tái đầu tư sản xuất.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN: “Phải tăng như thế thì mới thu hút được các nhà đầu tư vào ngành điện, vì vậy phải tăng lên 7 cent thì mới thu hút được”.

Để lập luận cho đề xuất của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Ngãi cho rằng, ở mức giá hiện nay là 5,3 cent/kwh, kinh doanh bán điện đều cầm chắc là lỗ. Do đó từ năm 1997 đến nay, không có một nhà đầu tư nước ngoài nào đầu tư các dự án điện. Vì thế, nếu tăng 35% không những giúp ngành điện thu hút đầu tư, mà còn bổ sung thêm vào nguồn vốn khoảng 15.000 tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, chỉ đề xuất tăng giá điện 11% cũng là do lo ngại lạm phát sẽ tăng cao bởi không chỉ giá điện, mà giá xăng, dầu, than cũng sẽ phải điều chỉnh tăng trong năm nay.

Ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Đứng trước vấn đề này, chúng ta phải lựa chọn làm sao tác động ít bất lợi nhất cho nền kinh tế. Chính vì thế phải lựa chọn rất kỹ”.

Theo dự báo của tập đoàn Điện lực Việt Nam, năm nay vẫn thiếu tới 3 tỷ kwh điện và ngay cả khi giá điện 2011 tăng khoảng 30%, vẫn phải cắt giảm trên 2 tỉ kwh điện giá cao từ các nhà máy nhiệt điện. Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2015 phải có 150 tỉ kwh và để đầu tư một nhà máy nhiệt điện với công suất 1.200MW phải cần tới 40.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận hàng năm của ngành điện chỉ đạt từ 1-3%, thậm chí thấp hơn nên không đủ tích luỹ để tái đầu tư mở rộng.

Hiện mọi đề xuất của các bên về tăng giá điện vẫn đang được tính toán một cách hết sức kỹ lưỡng trên cơ sở hợp lý giữa vấn đề kiềm chế lạm phát trước mắt và đảm bảo nguồn điện lâu dài cho phát triển kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá điện tăng bao nhiêu là hợp lý?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.