Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ghi nhận tiếng nói của các bên trong xác định lương tối thiểu

H.Đ| 07/08/2013 07:46

(HNMO) - Hội đồng Tiền lương Quốc gia Việt Nam ra mắt đã đánh dấu bước chuyển từ cơ chế xác định lương tối thiểu hoàn toàn do Chính phủ dẫn dắt sang một thể chế ba bên ghi nhận tầm quan trọng của sự tham gia của người lao động và sử dụng lao động.


Hội đồng gồm 15 thành viên, trong đó Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), các tổ chức đại diện cho người lao động và sử dụng lao động, có thành phần đại diện ngang nhau. Hội đồng họp định kỳ và Chủ tịch Hội đồng, hiện là Thứ trưởng LĐTBXH Phạm Minh Huân, có thể triệu tập phiên họp đột xuất trong trường hợp cần thiết.

Theo ông Huân, Hội đồng, với chức năng tư vấn, khuyến nghị với Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng, sẽ thay đổi cơ chế tham vấn gián tiếp giữa Chính phủ với các bên trong quan hệ lao động như trước đây, sang tham vấn trực tiếp trong Hội đồng nhằm chia xẻ thông tin, tăng cường tính đồng thuận trong việc xây dựng phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng trình Chính phủ.

Phát biểu tại lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết lương tối thiểu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.

“Lương tối thiểu là sàn thấp nhất mà không một người sử dụng lao động có quyền trả thấp hơn mức đó và là lưới an toàn cho người lao động làm công ăn lương trong xã hội, góp phần chống đói nghèo, bóc lột lao động” ông nói. Ông cũng nhấn mạnh rằng người lao động và sử dụng lao động có thể thỏa thuận các mức tiền công cao hơn trên thị trường lao động.

Khen ngợi những nỗ lực của Việt Nam, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam Gyorgy Sziraczki gọi sự ra đời của cơ chế xác định lương tối thiểu mới này là “một thành quả hiện hữu” của Việt Nam trên con đường tiến tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa và hợp tác.

“Hội đồng có thể cải thiện quá trình xác định lương tối thiểu dựa trên số liệu và căn cứ khoa học, đồng thời thúc đẩy đối thoại xã hội và tìm kiếm sự đồng thuận và ổn định trong quan hệ lao động,” ông nói.

Hội đồng cũng giúp các tổ chức đại diện cho người lao động và sử dụng lao động tham gia tích cực hơn vào việc xây dựng các đề xuất về lương tối thiểu. Trong khi đó, Chính phủ vẫn đóng vai trò “đặc biệt quan trọng” trong hoạt động của Hội đồng. Chính phủ không chỉ là “kiến trúc sư về thể chế” trong việc xây dựng khuôn khổ tổng thể cho các cuộc thương lượng về tiền lương mà còn là cơ quan “đưa ra chương trình nghị sự”, là đơn vị “cung cấp thông tin và số liệu thống kê” và là bên “điều phối, hỗ trợ” thúc đẩy đối thoại và thương lượng.

Nhưng ông Sziraczki cũng nhìn nhận: “Thành lập được Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã khó, vận hành tốt thể chế này còn là một thách thức lớn hơn”.

Ông kêu gọi Hội đồng tìm ra cách để hài hòa hóa với quy định hiện tại yêu cầu Bộ LĐTBXH chuẩn bị dự thảo Nghị định về mức tiền lương tối thiểu vùng và gửi cho các Bộ ngành khác để đóng góp ý kiến trước khi các mức lương này được quyết định.

Những thách thức lớn khác mà Hội đồng sẽ phải đối mặt nằm ở năng lực thống kê của Việt Nam nhằm hỗ trợ đối thoại dựa trên các căn cứ khoa học; năng lực của các tổ chức của người lao động và sử dụng lao động giúp họ có thể tham gia hiệu quả và hoạt động của Hội đồng; và việc thực thi lương tối thiểu, vốn đòi hỏi phải có hệ thống thanh tra lao động tốt hơn.

Ông Huân cũng nhận định rằng kinh nghiệm của một số nước trong khu vực cho thấy việc đạt được sự thống nhất, đồng thuận trong Hội đồng không phải là vấn đề dễ dàng do các thành viên trong Hội đồng đại diện cho các bên có lợi ích khác nhau.

Việc thành lập Hội đồng Tiền lương Quốc gia được thực hiện sau khi Bộ Luật Lao động sửa đổi 2012 chính thức đề cập tới cơ chế này. Với những hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính, ILO đã luôn sát cánh với Việt Nam trong cả quá trình sửa đổi Bộ Luật cũng như chuẩn bị cho sự ra đời của Hội đồng.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các bạn trong thời gian tới để Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn thực thi trong cuộc sống và Hội đồng Tiền lương Quốc gia đi vào hoạt động và ngày càng hoàn thiện.”

Việt Nam hiện có bốn mức lương tối thiểu, dao động từ 1.650.000 đến 2.350.000 đồng/tháng, cho bốn vùng khác nhau, tùy theo mức độ phát triển và mức sống ở đó.

Ở Việt Nam, tiền lương tối thiểu có xu hướng được sử dụng như là “tiền lương cơ bản” để tính các mức tiền lương khác nhau cho các nhóm lao động khác nhau và thậm chí là cơ sở tính toán trong hệ thống hệ thống an sinh xã hội, bao gồm lương hưu và trợ cấp. Tuy nhiên, cách hiểu như vậy về tiền lương tối thiểu ngày càng ít phổ biến hơn tại Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường đang ngày càng phát triển.

Giám đốc ILO Việt Nam Sziraczki cho biết xác định lương tối thiểu và thương lượng tập thể về tiền lương là hai cơ chế quan trọng ngang nhau và hỗ trợ cho nhau trong việc xác định tiền lương. “Hai cơ chế này không thể thay thế lẫn nhau,” ông nói.

Theo ILO, khi quyết định mức lương tối thiểu, cần thiết phải xem xét đến các tiêu chí như nhu cầu của người lao động và gia đình họ, mức lương chung trong cả nước, chi phí sinh hoạt và các thay đổi về chi phí sinh hoạt, các phúc lợi xã hội, mức sống tương quan với các nhóm xã hội khác, và các yếu tố kinh tế (bao gồm các yêu cầu phát triển kinh tế và năng suất lao động).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ghi nhận tiếng nói của các bên trong xác định lương tối thiểu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.