Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gap year - trải nghiệm cuộc sống theo cách bạn muốn

Chi Mai| 06/08/2013 10:47

Phạm Anh Thư, sinh năm 1991, học cấp 3 tại trường Taft School (Connecticut, USA)). Hiện nay Anh Thư đang học năm thứ 2 trường đại học Mount Holyoke College (Massachusetts), chuyên ngành Tâm lý học.

Lời tòa soạn:“Gap year” (năm ngắt quãng) là tên gọi của việc các bạn trẻ vừa tốt nghiệp trung học hoặc đại học dành một khoảng thời gian trống để tích lũy kinh nghiệm sống và định hình cuộc sống sau này. Ở Việt Nam, học sinh và đặc biệt là phụ huynh khó có thể tưởng tượng sau khi tốt nghiệp THPT, con mình ở nhà, “đi chơi” cả năm trời, trừ trường hợp bất đắc dĩ là vì… trượt đại học. Dù chưa thành phong trào rầm rộ, nhưng hiện nay số lượng bạn trẻ Việt Nam lựa chọn trải nghiệm gap year ngày càng tăng. Điều này cho thấy bên cạnh việc lĩnh hội tri thức, giới trẻ Việt cũng không để mình tụt hậu trong việc tiếp cận các xu thế sống lành mạnh, hữu ích của thế giới. VietNamNet đã tìm gặp một số bạn trong số đó. Mời bạn đọc gặp gỡ Phạm Anh Thư.


Phạm Anh Thư đang có thời gian nghỉ hè 2 tháng tại việt Nam. Em sử dụng thời gian này để tổ chức dự án Xuyên Việt với 9 bạn trẻ sinh viên tại Việt Nam. Dự án xuyên Việt ICHA 2013 (www.facebook.com/icha.vietnam) đến 9 tỉnh thành trong 3 tuần để khám phá đất nước, con người Việt Nam, đồng thời thử thách và thay đổi bản thân mình.

Chia sẻ về quãng thời gian 1 năm gap year ở Jordan, Thư cho biết:

Vừa làm, vừa chơi, mà lại là học

Trong thời gian gap year, Anh Thư và 1 bạn nữa làm việc cho chương trình Hoạt động cộng đồng và Round Square (Community Service and Round Square Program - một chương trình thúc đẩy tính quốc tế, dân chủ, và môi trường cho học sinh) tại trường King's Academy. Đây là trường nội trú cả nam và nữ đầu tiên ở khu vực Ả Rập, được thành lập bởi vua Jordan King Abdullah vào năm 2007. Trường có học sinh đến từ Jordan và 23 nước khác. Anh Thư và bạn làm từ công việc văn phòng đến liên hệ trực tiếp với các đối tác và thực hiện các dự án, hoạt động. Một trong những công việc chính hàng ngày của Thư là lên kế hoạch, chuẩn bị, cũng như thực hiện và quản lý các trong chương trình ngoại khóa về Hoạt động cộng đồng cho học sinh ở King's. Thư cũng tham gia những chuyến đi hoạt động xã hội như đi giúp xây nhà cho người dân theo chương trình Habitat for Humanity, hay đi thăm đập nước ở gần biên giới Syria và Israel để tìm hiểu về việc bảo tồn nước theo chương trình Friends of the Middle East...

Tuy nhiên, Thư cũng “thú nhận”, mặc dù học được nhiều thứ từ công việc mình nhưng thời gian vui nhất ở đây là đi du lịch. “Cuối tuần em và các bạn Junior Fellows khác đi 10’ đến Madaba hoặc nửa tiếng đến Amman, thủ đô của Jordan. Thích nhất là khi đi đến những khu du lịch nổi tiếng ở Jordan. Em đã đến Biển Chết, đến Mount Nebo - theo Kinh thánh, đây là núi mà nhà tiên tri Moses qua đời. Rồi Jerash - một thành phố từ thời Roman, và Petra - một di sản văn hóa thế giới do UNESCO công nhận...

Trong kỳ nghỉ mùa đông, cô làm việc cùng mời em cùng gia đình cô đến nhà mẹ cô ở Petra. Gần nhà mẹ cô là họ hàng của cô: em trai, cô, chú, bác... Em ở đó 3 ngày, và ngày nào cũng có người qua chơi. Bữa ăn nào cũng thân mật, sau đó mọi người uống trà rồi nói chuyện đến tối. Em luôn ấn tượng với sự mến khách cũng như sự gắn bó thân thiết của gia đình và cộng đồng của người dân Jordan”.



Thư đã tận dụng năm gap year của mình để khám phá thế giới xung quanh, cũng như khám phá chính mình. “Ở Jordan, em đã làm nhiều thứ lần đầu tiên trong 19 năm qua. Em và một nhóm bạn đã đến Wadi Rum là thung lũng sa mạc lớn nhất ở Jordan. Ở đó, lần đầu tiên em leo núi và núi cát (vì cát lún nên còn khó hơn leo núi đá) lên tới tận đỉnh. Em vốn sức không dai, nên em leo chậm nhất nhóm và rất mệt, nhưng sau đó em rất vui vì hơn chinh phục đỉnh núi là chinh phục chính mình. Khi ở Wadi Rum, em cũng được cưỡi lạc đà lần đầu tiên nữa. Ngồi trên lung lạc đà thấy cao hơn tưởng tượng nhiều! Chiều hôm đó về, em lại lần đầu tiên được đi jet ski. Sau những phút ban đầu sợ mình có thể té xuống biển, em thích thú tận hưởng chuyến đi cảm giác mạnh nhất trên biển”.

Ai cũng có thể “gap year”

Sở dĩ Thư có được quãng thời gian đầy thú vị ở Jordan là do em quyết tâm… nghỉ học. “Việc nghỉ học 1 học kì hay 1 năm ở Mỹ khá phổ biến, có thể sau khi tốt nghiệp trung học chưa vào được trường như ý nên dành 1 năm để nộp đơn lại, nhưng nhiều trường hợp là nghỉ gián đoạn trong thời gian học đại học. Em thì ngay từ năm lớp 11 đã có ý định nghỉ 1 năm trước khi vào đại học, vì lúc đó em hoang mang, khó chịu, và mệt mỏi khi không rõ mình muốn gì thích gì mà chỉ cứ tuân theo lịch học mà cuốn vào guồng quay định sẵn. Sang Mỹ học phổ thông em đã phải học lại lớp 10, nên nhiều người cản ý định gap year vì em đã trễ 1 năm so với các bạn cùng tuổi, còn em lại nghĩ đã trễ rồi thì trễ thêm 1 năm nữa cũng chẳng sao, nhất là quan trọng đâu phải ra trường năm nào mà là mỗi năm mình học được gì. Ngoài ra, em cũng là người rất thích đi du lịch, đến những vùng đất khác và gặp những con người từ nhiều nền văn hóa. Vì vậy, khi biết có chương trình ở Jordan - một vùng đất không dễ gì mà tới được - em đã quyết định tham gia” - Thư giải thích về quyết định của mình.

Bố mẹ Thư lúc đầu phản đối, nói rằng tình hình Trung Đông không ổn định. Sau khi tìm hiểu thông tin và cũng biết tính em đã quyết là làm, bố mẹ rồi cũng cho Thư đi dù không hoàn toàn ủng hộ, và với điều kiện em phải hứa như: Không đi một mình ra ngoài buổi tối, sau một năm sẽ trở về đi học lại.

Anh Thư khẳng định “Em luôn ủng hộ việc nghỉ học 1 năm dành thời gian cho mình để lớn hơn”. Tuy nhiên, theo Anh Thư, nghỉ phải có mục đích, kế hoạch rõ ràng như đi làm thêm, thời gian dành cho gia đình, học nhạc cụ, du lịch… nếu không sẽ rất phí thời gian.

“Thực tế, đó là thời gian duy nhất mà mình có dành riêng cho mình. Các bạn cũng không nên sợ là phải có điều kiện kinh tế hay sức khỏe thì mới nghỉ được để đi ra ngoài khám phá thế giới. Thực ra phải thử rồi mới biết. Nếu cứ sợ này sợ kia thì không thể biết được mình cần gì, muốn gì” – Thư nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gap year - trải nghiệm cuộc sống theo cách bạn muốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.