Hà Nội kết nối

Gặp những người Hà Nội trên quê hương thứ hai

Phụng Đài - Nguyễn Lê 10/10/2023 - 11:43

Nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10, chúng tôi đã gặp gỡ, trò chuyện với một số người con Hà Nội đang đang sống, làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Họ là những người đã, đang và sẽ đóng góp cho sự phát triển của cả 2 quê hương và đất nước.

Hội đồng hương Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh gồm 4 chi hội (Tràng An, Sóc Sơn, Làng Chuông, Chùa Thầy) với hàng trăm thành viên luôn đoàn kết, tham gia các hoạt động đoàn thể từ phường đến thành phố để góp phần xây dựng thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

hnm.1cdn.vn-2023-10-10-_anh-5-1-.jpg
Hội đồng hương Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh họp mặt.

Bà Đỗ Thị Thanh Xuyến là người con của Hà Nội đã sinh sống ở miền Nam ngay sau ngày thống nhất 30-4, nay là Chủ tịch Hội đồng hương Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh. Chia sẻ nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1945 - 10/10/2023), bà nói: “Mỗi năm, cứ vào dịp này, người Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh lại tụ hội, vừa để ôn lại mốc son lịch sử, vừa để cùng nhau bàn bạc xem tiếp tục đóng góp những gì cho Hà Nội và đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Bác dạy".

a78.jpg
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm.

Chúng tôi gặp và nói chuyện với bà Nguyễn Thị Minh Tâm, 86 tuổi (nguyên quán quận Hai Bà Trưng), người đã sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh gần 50 năm qua. Suốt quãng thời gian công tác trong ngành Dược, rồi Thương nghiệp và cả đến khi nghỉ hưu, bà luôn tự hào là người con của Hà Nội có đóng góp cho sự phát triển của thành phố mang tên Bác.

"Sau thống nhất, đất nước bị cấm vận, có giai đoạn người dân thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn trong cung ứng thuốc men, thực phẩm... Tôi và nhiều người khác đã cùng nhau nỗ lực, góp phần công sức nhỏ bé của mình cùng thành phố và cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn để phát triển. Ngày nay, thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước và là quê hương thứ 2 của tôi, tôi tự hào về những gì thế hệ chúng tôi đã đóng góp cho thành phố này", bà Nguyễn Minh Tâm nói.

a79.jpg
Ông Đào Đức Phan.

Còn nhiều người con Hà Nội nữa Nam tiến, nay gắn bó với mảnh đất này. Điển hình như ông Đào Đức Phan, quê Quốc Oai, vào miền Nam ngay sau ngày thống nhất với vai trò một kỹ sư 22 tuổi tham gia xây dựng Thủy điện Trị An, góp phần đem ánh điện đến với thành phố và cả những vùng quê xa xôi, hẻo lánh miền Nam.

Ông Đào Đức Phan chia sẻ: “Những năm gần đây, tôi thấy Hà Nội là địa phương phát triển nhanh nhất cả nước. Dù mỗi năm tôi đều về Hà Nội thăm gia đình, họ hàng nhưng vẫn rất bất ngờ trước sự “thay da đổi thịt” của thành phố. Đặc biệt, về các vùng ngoại thành. Nhiều vùng quê được thay áo mới, người dân có cuộc sống tốt hơn".

anh-3.jpg
Chị Đặng Hà My

Những thế hệ người Hà Nội thứ 2, thứ 3... giờ cũng đã gắn bó với mảnh đất phương Nam. Chị Đặng Hà My hiện đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh với vai trò một phóng viên thường trú của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, tâm sự: “Tôi tự hào là thế hệ tiếp nối của những người con Hà Nội ở nơi xa. Tôi nhận thấy thế hệ của mình cần giữ gìn và phát huy tinh thần Thăng Long nghìn năm văn hiến và Thủ đô vì hòa bình. Những người Hà Nội xa quê vẫn luôn cùng nhau hợp tác, đoàn kết và phát triển. Trong công việc cũng như trong đời sống, tôi luôn cố gắng chỉn chu nhất có thể, luôn ý thức giữ gìn nét thanh lịch của con người đất Bắc ở thành phố mang tên Bác”.

anh-4.jpg
Anh Trần Văn Cường.

Còn anh Trần Văn Cường, quê Mỹ Đức, vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp được 5 năm, hiện đang làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài, nay muốn gây dựng sự nghiệp tại thành phố mang tên Bác. "Tôi được tiếp thêm sức mạnh tinh thần qua gặp gỡ, trao đổi với những thế hệ người Hà Nội đi trước, đã gắn bó với mảnh đất phương Nam; nhiều người coi đây là quê hương mới của mình. Tôi sẽ phấn đấu để khẳng định mình trên vùng đất mới, như các cô, các chú đi trước đã từng làm", Trần Văn Cường nói.

Nhân vật cuối chúng tôi muốn nhắc đến trong bài viết này là Hiền Anh, sinh viên năm cuối của Trường Đại học RMIT thành phố Hồ Chí Minh. Hiền Anh giờ đi lại "như con thoi" giữa nơi học tập và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh với ngôi nhà nhỏ ở phố Hàng Giấy (quận Hoàn Kiếm), nơi đại gia đình 3 thế hệ của cô đang sinh sống. Hiền Anh nói: "Em học và làm về phát triển nội dung số. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều đang phát triển mạnh lĩnh vực này. Em rất vui vì được góp phần làm "cầu nối" giữa 2 vùng quê và được chứng kiến những đổi thay, phát triển ở cả 2 đầu đất nước".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gặp những người Hà Nội trên quê hương thứ hai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.