Chính trị

Kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023): Rưng rưng tháng Mười

Nguyễn Năng Lực 16/10/2023 - 08:33

Hằng năm, cứ mỗi độ tháng Mười về, tôi lại rưng rưng nhớ mẹ tôi, người đã thấu hiểu giá trị của một ngày tháng 10-1954. Mẹ tôi mất đã 5 năm, nếu còn, năm nay mẹ tròn trăm tuổi. Sinh thời, nhìn đàn con cháu chắt phương trưởng, ríu rít, mẹ tôi thường nói: “Nếu không có ngày Bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản Thủ đô thì không biết nhà mình sẽ ra sao”.

638315753274686755-tiep-qua.jpg
Đồng chí Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính, sau là Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội, trong ngày tiếp quản Thủ đô 10-10-1954. Ảnh: Tư liệu

Tháng 12-1946, Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, toàn dân theo lệnh Cụ Hồ bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Ở quê tôi, mặt trận Cầu Giấy vỡ, cả gia đình tôi gồng gánh tản cư, thực hiện “vườn không nhà trống”, bỏ lại nhà cửa, vườn tược chạy về Sơn Tây rồi sang Vân Đình, Hà Đông. Cứ lính Pháp càn tới là lại bồng bế, dắt díu nhau chạy.

Những ngày ấy, nghĩa tình đồng bào sâu nặng lắm. Những người dân miền quê vùng tự do sẵn sàng nhường nhà cửa, cưu mang người tản cư. Hai năm 1947 - 1948, gia đình tôi được cụ Xã Duệ ở Tây Đằng, Sơn Tây cưu mang. Vất vả, thiếu thốn, ốm đau không có thuốc chữa, chị cả tôi mới hơn một tuổi không qua khỏi, bố tôi lại đang đi vắng, cụ Xã Duệ đã ôm cái xác bé nhỏ của chị tôi mang ra đồi chôn. Quân Pháp lại càn tới, cả nhà tôi, phần lớn là những người đàn bà chân yếu tay mềm, lại dắt díu, gánh gồng chạy về Chợ Cháy, Vân Đình. Anh tôi chào đời ở đấy trong khói lửa kháng chiến.

Năm 1950, nhà tôi hồi cư về Hà Nội. Căn nhà ở quê đã “tiêu thổ kháng chiến”, không còn. Ban đầu, nhà tôi ở ngõ Hàng Cháo, sau được chính quyền thành phố cấp cho một căn ở khu “nhà viện trợ Mỹ” dưới Thúy Ái. Sau này được biết, chính quyền Hà Nội ngày đó do dược sĩ Thẩm Hoàng Tín làm Thị trưởng, được chính phủ Hoa Kỳ viện trợ xây một số khu nhà cho dân hồi cư và dân các tỉnh về. Đó là những khu nhà cấp 4, mỗi căn khoảng 20 mét vuông, mái lợp tôn xi măng, có sân nhỏ và căn bếp. Nhờ đó Hà Nội thời tạm chiếm có những khu “nhà viện trợ Mỹ” ở Thúy Ái, An Dương và Mai Hương, mỗi nơi khoảng vài trăm căn, mỗi căn từ một đến hai gia đình, đủ cho hơn nghìn người tá túc. Nhờ có nghề làm vàng giấy nên nhà tôi cũng đắp đổi lần hồi qua ngày. Năm 1952, tôi ra đời tại một nhà hộ sinh tư cuối phố Lò Đúc, chỗ gần “cây đa Nhà Bò”. Được tin nhà tôi đã hồi cư, lý dịch trong làng quê ở Cầu Giấy ra đòi nộp thuế thân, bố tôi viết bài “Xin các ông đừng ăn nữa” đăng báo Tia Sáng để phản đối.

Chỉ trong hai năm 1953-1954, nhà tôi lần lượt có ba cái tang. Cụ ngoại tôi qua đời vì già yếu. Cô tôi bị Pháp bắt vào bốt Liễu Giai, bị đánh đập tra tấn thế nào mà đến khi nhờ người quen làm ở Sở Mật thám xin cho được tha, sau khi trở về nhà, cô ốm lên ốm xuống, da cứ vàng bủng ra rồi chết khi mới ngoài 20 tuổi. Chú Lâm chồng cô đang chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Đầu năm 1954, bố tôi đau dạ dày, vào Nhà thương Bạch Mai, sau chuyển lên Nhà thương Phủ Doãn. Bất mãn với chế độ nhà thương thuộc địa, bố tôi viết bài “Khi người ta muốn sống” đăng báo Tia Sáng. Mẹ tôi kể lại, sau khi báo đăng, viên bác sĩ cầm tờ báo đến, đập đập vào thành giường bệnh, bảo bố tôi “có gì không vừa lòng thì anh cứ nói với chúng tôi, đăng báo làm gì”. Rồi họ đưa bố tôi đi mổ. Ba ngày sau, chỗ mổ vỡ, bố tôi chết. Sau này, có ông trong họ bảo tôi, “bố mày chết vì hai bài báo ấy”. Ngày ấy tôi mới hơn một tuổi, chẳng biết gì về những ngày cùng cực ấy.

638315753283488515-ttxvn-ha-noi-ngay-tro-ve-1-3522.jpg
Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào sáng 10-10-1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Những ngày ấy, lính Pháp bị thương từ Điện Biên Phủ và các mặt trận khác chuyển về nhiều, Nhà thương Đồn Thủy của quân đội không đủ chỗ, họ phải trưng dụng cả các bệnh viện dân sự. Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Hà Nội nhốn nháo, thắc thỏm chờ một sự đổi thay. Những người lính Pháp cũng chán chường, mệt mỏi. Một buổi tối, mẹ đang bế tôi cho ăn, bỗng cánh cửa xịch mở, một người lính da đen cao to lừng lững bước vào. Trong ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn điện, anh ta cứ ngồi lặng lẽ nhìn. Mẹ tôi sợ rúm người, trong khi thằng bé là tôi vẫn quay ra hớn hở cười. Người lính châu Phi lặng lẽ nhìn mẹ con tôi một lúc rồi thở dài, đứng dậy, đi ra...

Ba cái tang ập xuống cái gia đình bé nhỏ, toàn đàn bà con trẻ yếu đuối đã gần 10 năm chạy loạn, gắng gượng sống, gắng gượng tồn tại chờ ngày kháng chiến thành công để được sống bình yên.

Ngày ấy đến. Ngày 10-10-1954, từ các cửa ô, Bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản Thủ đô. Chú Lâm trong đoàn quân mũ nan áo trấn thủ trở về mà cô tôi đã không còn.

Ngày Thủ đô giải phóng, Hà Nội chỉ rộng 152,2km2, dân số chưa tới nửa triệu người. Trước sự đổi thay lớn lao, không ít người Hà Nội đã rời đi vì nhiều lý do, nhưng phần lớn vẫn ở lại vì tin tưởng ở chính phủ Cụ Hồ, tin ở tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Mẹ tôi được đi làm trong biên chế Nhà nước, trở thành đảng viên. Chú ruột tôi theo học ngành Y tế, trở thành bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai. Anh em tôi được đến trường, đều học giỏi, là “Cháu ngoan Bác Hồ”. Tháng 2-1965, tôi hạnh phúc được có mặt trong đoàn đại biểu thiếu nhi Thủ đô vào Phủ Chủ tịch, được gặp Bác Hồ - đó là những kỷ niệm đẹp đã theo tôi suốt cuộc đời. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cả hai anh em tôi đều lên đường ra trận. Đạn bom ác liệt, chúng tôi vẫn vững vàng tay súng, còn sống trở về, xây dựng sự nghiệp, có gia đình đầm ấm, con cháu phương trưởng, giỏi giang. Hằng năm cứ đến ngày giỗ bố tôi, mẹ lại làm bài thơ “báo cáo” tình hình gia đình, trân trọng đặt lên ban thờ.

Bây giờ Thủ đô đã là thành phố trực thuộc trung ương có diện tích lớn nhất nước và lớn thứ 17 trên thế giới. Thành phố ngày càng phát triển khang trang, hiện đại, song cũng có nhiều điều đã thay đổi theo hướng tiêu cực, từ nếp sống, thói quen, nếp nghĩ... Kinh tế thị trường, lối sống thực dụng ám ảnh, chi phối khiến không ít người trở nên xa lạ ngay trong gia đình, dòng tộc. Bởi thế mà chất thanh lịch truyền thống của người Hà Nội cũng phần nào phôi phai. Thế nhưng mạch ngầm những “hồn cốt Hà thành” vẫn âm thầm chảy qua nhiều thế hệ.

Tháng Mười! Rưng rưng nhớ! Rưng rưng nghĩ!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023): Rưng rưng tháng Mười

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.