(HNMO) - Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019), sáng 1-10, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức gặp mặt 218 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội.
Tới dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Việt Minh thành Hoàng Diệu, Trưởng đoàn đại biểu nhân dân Hà Nội dự Đại hội Quốc dân ở Tân Trào; Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; đại diện các ban, bộ, ngành trung ương.
Đại biểu thành phố Hà Nội có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Trưởng ban đại diện các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội xúc động cho biết, ngày Thủ đô thân yêu được giải phóng, cũng là ngày các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thoát khỏi hệ thống “địa ngục trần gian” của địch để chiến thắng, trở về với Đảng, với dân và quân đội ta. Sau Ngày Giải phóng Thủ đô, các chiến sĩ bị địch bắt tù đày tiếp tục một lòng, một dạ đi theo con đường đã chọn, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, tham gia đóng góp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần giữ vững an ninh chính trị; động viên con cháu chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bày tỏ sự xúc động, tự hào khi được Đảng, Nhà nước và lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương cho biết, các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội mong muốn, thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa...
“Chúng tôi xin tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu, tới Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ đường, dẫn dắt chúng tôi đến vinh quang. Chúng tôi nguyện tiếp tục cống hiến đến trọn đời, vì nước, vì dân”, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương xúc động bày tỏ.
Sau khi nghe 3 ý kiến phát biểu của đại diện các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội trân trọng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những công lao to lớn của các đồng chí.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định, các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày là tấm gương tiêu biểu cho bản lĩnh, ý chí kiên cường, bất khuất, không bị khuất phục bởi bất cứ thử thách, hiểm nguy, gian khổ nào; kế thừa xứng đáng truyền thống yêu nước của dân tộc, của Thủ đô văn hiến, anh hùng.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, trong quá trình đấu tranh cách mạng đầy khó khăn, gian khổ, các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày luôn nêu cao ý chí chiến đấu, chịu đựng gian khổ, hy sinh, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng với niềm tin son sắt vào thắng lợi cuối cùng: Đất nước được thống nhất, hòa bình, độc lập, tự do.
"Những tấm gương chiến đấu, hy sinh cao cả của các đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Hoàng Tôn, Hoàng Văn Thụ… bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) và nhiều nhà tù khác đã trở thành những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm thêm truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, mãi mãi là niềm tự hào, là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ viết tiếp những trang sử vàng của dân tộc”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.
Điểm lại những thành tựu của Thủ đô và đất nước 65 năm qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định, qua hơn 30 năm vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, căn cứ vào tình hình thực tiễn của thành phố, Đảng bộ thành phố đã tạo ra bước ngoặt lớn, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt, từ năm 2008, thực hiện việc điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội (khóa XII) đã tạo thêm thế và lực mới để xây dựng và phát triển Thủ đô.
Cùng với những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Hà Nội triển khai tích cực chính sách an sinh xã hội. Trong đó, đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa hơn 4.000 nhà cho người có công, gia đình chính sách và hộ nghèo. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được Thành ủy thường xuyên quan tâm, coi trọng, thực sự là một khâu then chốt...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố luôn tự hào, trân trọng những hy sinh, đóng góp của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Trong nhiều năm qua, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của các đồng chí chiến sĩ cách mạng đã trải qua lao tù của thực dân, đế quốc và những người có công với cách mạng. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng tổng hợp, tham mưu với Thành ủy, HĐND, UBND thành phố giải quyết các nội dung kiến nghị của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chúc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày luôn mạnh khỏe, trường thọ, tiếp tục có những đóng góp quý báu cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đặc biệt là góp ý kiến để tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Nhân dịp này, UBND thành phố Hà Nội đã tặng Bằng khen cho 21 tập thể, cá nhân chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.