(HNM) - Dù nay những cô gái, chàng trai đó tuổi đã ngoài bát thập nhưng khi giai điệu lời ca
Dù nay những cô gái, chàng trai đó tuổi đã ngoài bát thập nhưng khi giai điệu lời ca "Chúng ta ươm lại hoa/Sắc hương phai ngày xa/Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu…" vang lên, cả thính phòng như trẻ lại. Ôn lại lịch sử cũng chính là sự tiếp nối tuổi trẻ hôm nay thêm nhiệt huyết, vững bước xây dựng Thủ đô thân yêu...
Thời khắc khó quên
65 năm đã qua đi nhưng những thanh, thiếu niên Hà Nội hơn nửa thế kỷ trước đã làm nên Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền tại Thủ đô Hà Nội vẫn còn nguyên kỷ niệm của tháng ngày sục sôi đó. Hai trong những ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa (UBKN) Hà Nội là Đại tướng Nguyễn Quyết và Đại tá Lê Trọng Nghĩa dù tuổi cao nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết.
Đại tướng Nguyễn Quyết - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội kể, Hà Nội chủ động giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám khi lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương chưa về đến nơi, thể hiện sự sẵn sàng, nhận thức và trách nhiệm cao của thế hệ trẻ Thủ đô thời bấy giờ, trong đó có hơn 300 TN CQTHD. Đại tướng Nguyễn Quyết cho biết: Thanh niên cứu quốc có 2 tổ chức vũ trang, riêng đoàn thanh niên tuyên truyền thành Hoàng Diệu đã tổ chức được 15 cuộc mít tinh vũ trang đánh thức tinh thần yêu nước của thanh niên Hà Nội khi Nhật đảo chính Pháp. Thành ủy thành lập thêm đội ám sát có trách nhiệm giết tề trừ gian. Hai tổ chức này đã làm rung động thành phố. Đồng chí Vũ Oanh, nguyên Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh thành Hoàng Diệu kể, Hà Nội những ngày Thu 1945, trong khí thế cách mạng dâng cao, Đoàn TTCQTHD đã "xuất quỷ nhập thần" trên các toa tầu điện, diễn thuyết trong các rạp hát Hiệp Thành, Quảng Lạc, Tố Như, Nhà hát Lớn, Trường Kỹ nghệ thực hành... động viên nhân dân đánh Pháp, đuổi Nhật; bảo vệ cuộc phá kho thóc ở làng Mọc thành công, góp phần làm cho nhân dân phấn khởi tin tưởng vào Việt Minh.
Lịch sử Đoàn TNCQTHD còn ghi những trang vàng với sáng kiến thành lập Đội danh dự trừ gian do chính đồng chí Vũ Oanh đề xuất với Thành ủy. Ba đội viên đầu tiên là Cao Tâm, Quang Liên, Mai Thiện Tri. Sau này, đội phát triển lên 6 người đều là những thanh niên Hà Nội ưu tú đáp ứng tiêu chí quan trọng hàng đầu là trung kiên, có sức khỏe tốt, thêm nữa, phải thông thạo đường phố Hà Nội và có kinh nghiệm đối phó với hiến binh Nhật, mật thám, cảnh sát Pháp. Đòi hỏi khắt khe như vậy nên được đứng trong hàng ngũ Đội danh dự trừ gian là vinh dự của mỗi thanh niên Thủ đô lúc bấy giờ. Mới ra đời nhưng những chiến công vang dội của Đội danh dự trừ gian càng làm cho nhân dân cảm phục, thanh thế và uy tín của Việt Minh càng được nâng cao. Những câu chuyện về chàng thanh niên Cao Tâm yêu nước trừ Việt gian ngay trên đường phố Hà Nội giữa ban ngày làm nức lòng người. Bà Hoan Thủy (tức Từ Ngọc Giản năm nay đã 80 tuổi) hào hứng kể về những tháng ngày sôi động, luôn ở hàng đầu lực lượng nhân dân trong các cuộc mít tinh tham gia Tổng khởi nghĩa, xông lên bất chấp hiểm nguy chiếm các vị trí đầu não của chế độ thực dân, giành lại chính quyền.
Đặc biệt, trong 3 ngày 17, 18 và 19-8-1945, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy và Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội, các đoàn viên của Đoàn TNCQTHD đã xung kích đi đầu cùng các đoàn thể Việt Minh và nhân dân nổi dậy "phá bằng được" cuộc mít tinh do Tổng hội Viên chức tổ chức với âm mưu ủng hộ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và trở thành nòng cốt cho các lực lượng nhân dân tổng khởi nghĩa đập tan bộ máy thống trị thực dân, tước vũ khí của lực lượng bảo an tay sai Nhật giành chính quyền về tay nhân dân vào trưa 19-8. Tự hào về một thời oanh liệt, cụ Bùi Thái Hy, Trưởng ban Liên lạc Đoàn TNCQTHD xúc động cho biết: "Thế hệ những thanh niên Hà Nội hơn nửa thế kỷ trước như chúng tôi không còn nhiều. Chúng tôi vẫn nói, cá nhân anh em chúng ta như hạt cát của lịch sử nhưng tổ chức phải là đá tảng bền vững tồn tại mãi trong lòng. Chính vì thế mỗi năm tháng qua đi chúng tôi càng thấy mừng vui hơn khi chứng kiến Hà Nội ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Bác".
Cháy mãi tình yêu Hà Nội
Sau Mùa Thu lịch sử ấy, cuối năm 1945, Đoàn TNCQTHD chia làm nhiều nhóm theo tiếng gọi Tổ quốc lên đường đi Nam tiến, Tây tiến, lên Phúc Yên, ra Hải Phòng… Nhiệm vụ lịch sử đã hoàn thành, bước vào giai đoạn cách mạng mới, nhiều đoàn viên Đoàn TNCQTHD đã trở thành hạt nhân quan trọng của Trung đoàn Thủ đô làm nên kỳ tích hơn 60 ngày đêm giam chân địch tại Hà Nội và trở thành những tướng lĩnh quân đội từng làm địch thất điên bát đảo trong những trận đánh lừng danh sau này. Trong đoàn quân Nam tiến năm nào có một người con Hà Nội là Thiếu tướng Bùi Nam Hà. Rời Hà Nội từ Mùa Thu lịch sử đó, chiến đấu vì miền Nam ruột thịt để mảnh đất nắng gió trở thành quê hương thứ hai của mình nhưng không lúc nào Thiếu tướng Bùi Nam Hà (năm nay đã 87 tuổi) nguôi ngoai nỗi nhớ Hà Nội mến yêu. Cứ một năm hai lần, ông dành thời gian về thăm mảnh đất cố hương. Khi tiết trời Thủ đô giao mùa sang Thu xốn xang nhiều cảm xúc, người dân khu phố cổ Hà Nội lại thấy một vị tướng quân trang chỉnh tề, oai phong lặng lẽ dạo bước trên phố. Lâu dần thành quen, không chỉ có những người bạn vong niên nhận ra người tướng già mà người dân sống xung quanh khu vực hồ Gươm cũng nhận ra ông. Thiếu tướng Bùi Nam Hà tâm sự: "Gia đình tôi hiện sống ở TP Hồ Chí Minh nhưng không lúc nào chúng tôi nguôi nhớ về quê hương Hà Nội của mình. Bản thân tôi, năm nào cũng về đây để tri ân với từng con phố, từng hàng cây, gặp gỡ những người bạn vong niên một thời sục sôi. Thời khắc 2010 nhiều ấn tượng hơn khi tôi trở về đúng dịp thành phố thân yêu của chúng ta tròn 1000 tuổi".
Những người con của Hà Nội năm xưa cũng như hôm nay đều chung một niềm tự hào về truyền thống vẻ vang đã có, đây là động lực, quyết tâm xây dựng Thủ đô vươn lên tầm cao mới, xứng đáng với vị thế Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.