(HNM) - Năm 2017, xuất khẩu gạo của Việt Nam
Theo Bộ NN&PTNT, năm qua cả nước xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo, giá trị đạt 2,66 tỷ USD, tăng 22,4% về khối lượng và 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định: Đây là thành công rất lớn. Đầu năm 2017, nhiều chuyên gia nhận định là năm khó khăn do thị trường xuất khẩu lúa gạo còn nhiều bất cập, khí hậu biến đổi ảnh hưởng sản xuất. Vì thế, mục tiêu của ngành năm 2017 là xuất khẩu 5 triệu tấn gạo nhưng cuối năm con số này đã tăng lên gần 6 triệu tấn.
Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam Huỳnh Minh Huệ cho rằng: Năm qua biến đổi khí hậu khiến nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nguồn cung. Hơn nữa, gạo Việt Nam có xu hướng tăng cả lượng và chất cũng là yếu tố mở rộng được thị trường tiêu thụ, tăng giá trị xuất khẩu.
Đặc biệt, từ năm 2018, Trung Quốc - một trong những thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với loại gạo nếp. Nếu khai thác tốt lợi thế này, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội. Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo cho doanh nghiệp Việt Nam, mới đây đoàn công tác gồm, đại diện nhiều đơn vị đã có buổi xúc tiến thương mại gạo tại Bờ Biển Ngà. Đây được cho là thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng. Cùng với đó, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương và tham tán, thương vụ Việt Nam tại các nước tiếp tục tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung và mặt hàng gạo nói riêng...
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm của các thị trường, nhất là thị trường “kỹ tính”. Bên cạnh đó, việc phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường lớn cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo Việt…
Để khắc phục tình trạng trên, ngành lúa gạo cần tổ chức lại sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng. Trong chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo giai đoạn 2017-2020, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu từ 4,5 đến 5 triệu tấn gạo/năm, kim ngạch bình quân từ 2,2 đến 2,3 tỷ USD/năm (trong đó gạo nếp chiếm 20%); giai đoạn 2021-2030, giảm lượng xuất khẩu gạo xuống còn khoảng 4 triệu tấn/năm nhưng kim ngạch dự kiến tăng lên 2,3 - 2,5 tỷ USD/năm, trong đó tập trung vào phân khúc gạo có giá trị cao (gạo nếp chiếm 25%).
Về chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ: Năm 2020, thị trường Châu Á chiếm tỷ trọng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường Châu Phi 22%, thị trường Châu Mỹ 8%, thị trường Châu Âu 5%. Với mục tiêu này, ngành lúa gạo còn rất nhiều việc phải làm: Đẩy mạnh sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng; đồng thời sớm xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm..
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.