(HNMO) - Đó là đề xuất đáng lưu ý tại hội thảo "Sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước" do Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức sáng 25-11.
Tại hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Nhạc Phan Linh cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vai trò của tổ chức Đảng, đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân chưa được phát huy là do một bộ phận chủ doanh nghiệp tư nhân, cũng như người lao động lo ngại việc sinh hoạt chi bộ, học tập chính trị ảnh hưởng đến thời gian làm việc. Nhiều công nhân thường xuyên phải thay đổi công việc gây khó khăn trong công tác bồi dưỡng kết nạp Đảng, sinh hoạt chi bộ...
Chưa kể, mặc dù Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân nhưng việc đưa các nghị quyết, chỉ thị này vào cuộc sống chưa đạt kết quả như mong muốn...
"Những khó khăn này dẫn đến số tổ chức Đảng và số đảng viên/tổng số đơn vị doanh nghiệp tư nhân và tổng số lao động của khu vực kinh tế tư nhân còn rất thấp...", ông Nhạc Phan Linh nói.
Theo số liệu thống kê được công bố tại hội thảo, cả nước có 12.808 tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân (chủ yếu là trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước), tăng 10.799 tổ chức Đảng, gấp 6,38 lần so với năm 2008, nhưng chỉ chiếm 1,49% tổng số doanh nghiệp.
Đại diện công đoàn cơ sở, doanh nghiệp tư nhân tham dự hội thảo đề xuất giải pháp để khắc phục thực trạng trên là, cần gắn việc xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài nhà nước với công tác thi đua - khen thưởng để tạo thuận lợi trong việc thúc đẩy thành lập tổ chức Đảng cũng như tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động các cấp cũng cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, trước hết là trong đội ngũ đảng viên, người lao động, chủ doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước để họ nhận thức đúng đắn về chủ trương, đường lối của Đảng, thấy rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, lợi ích của việc phát triển các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp. Mục tiêu là hài hoà lợi ích 3 bên: Doanh nghiệp - người lao động - các tổ chức Đảng, đoàn thể; tổ chức Đảng, chính trị - xã hội là cầu nối giữa doanh nghiệp với người lao động.
Liên đoàn Lao động các cấp cũng cần phát động các đợt thi đua, hướng phong trào thi đua yêu nước vào các trọng tâm thi đua như "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất - chất lượng - hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Qua đó, tăng niềm tin của người lao động, chủ doanh nghiệp đối với tổ chức Đảng, tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp và giới thiệu, bồi dưỡng các công đoàn viên ưu tú vào Đảng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.