(HNM) - Một trong những nội dung thiết thực gắn với việc thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020” là việc UBND TP Hà Nội ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội (ngày 25-1-2017) và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội (ngày 10-3-2017).
Sau một năm, đánh giá chung cho thấy, hai bộ “hương ước” thời hiện đại đã đi vào cuộc sống, bước đầu tạo chuyển biến tích cực về văn hóa công sở và văn hóa ứng xử trong các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, kỷ cương nội vụ, thái độ tiếp dân, chất lượng công vụ trong các cơ quan công quyền được nâng cao một bước. Chuẩn mực ứng xử nơi công cộng dần hình thành trong nếp nghĩ của cư dân, góp phần nâng cao ý thức giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa, ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng…
Tuy có thành công ban đầu nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế trong công tác triển khai thực hiện quy tắc ứng xử, nhất là về sự chậm trễ trong việc hoàn thiện và đưa vào áp dụng chế tài xử lý vi phạm rõ sức răn đe; mô hình tốt, cách làm hay còn ít; bạo lực gia đình, thái độ ứng xử với dân, với đồng nghiệp của một số cán bộ còn không đúng với chuẩn mực...
Còn đó những câu hỏi như: Tại sao đêm Giao thừa, khi một bộ phận lớn lao động nhập cư đã về quê nhưng tình trạng khu vực hồ Hoàn Kiếm tràn ngập rác sau khi tan lễ bắn pháo hoa? Vẫn còn đâu đó tâm lý “sạch nhà mình” nhưng sẵn sàng xả rác nơi công cộng, xả rác không đúng giờ…
Trong buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU sáng 7-3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đặc biệt nhấn mạnh tới việc triển khai hai quy tắc ứng xử phải đạt kết quả rõ rệt, rõ nét trong đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động của bộ máy chính trị. Đối với mỗi cơ quan, đơn vị, việc thực hiện hai quy tắc ứng xử phải gắn với thi đua và được chấm điểm. Tại những nơi công cộng, chọn một số địa bàn dễ xảy ra bất cập để chấn chỉnh.
Có thể thấy, thanh lịch, văn minh có nội hàm rộng, là sự tích hợp nét đẹp về nhân cách, phong cách… chứ không chỉ thể hiện qua hành vi cụ thể. Bởi vậy, xây dựng văn hóa ứng xử là việc không thể nóng vội và không thể thực hiện một cách máy móc. Điều cần sớm thực hiện là những chuẩn mực ứng xử có thể được phân nhóm, lồng ghép với nội dung triển khai thực hiện chủ đề năm 2018 "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị". Trong quá trình triển khai, cần ưu tiên đưa nội dung phù hợp vào sinh hoạt chi bộ khu dân cư nhằm nâng cao ý thức, sự gương mẫu của các đảng viên.
Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền trong trường học cần được xem là gốc của vấn đề thực hiện các quy tắc ứng xử, bởi để trẻ em định hình tính cách rồi thì rất khó thay đổi. Tại cơ sở, địa bàn chính là tổ dân phố, thôn, xóm, xã, phường và nhất thiết phải đến các khu chung cư. Tiếp đến, công tác tuyên truyền phải mang tính đồng bộ, cả về nội dung quy tắc và chế tài, gắn với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, trách nhiệm của người đứng đầu. Các cơ quan truyền thông cũng cần vào cuộc lên án cái xấu, cổ vũ điều hay, nói lại những gì chưa được phản ánh rõ…
Với truyền thống văn minh, thanh lịch, cộng với các giải pháp đồng bộ, thái độ hợp tác, hưởng ứng của nhân dân, tin rằng văn hóa và con người Hà Nội trong tương lai không xa sẽ phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô trong tình hình mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.