Tính tới 20-12, mới có 21 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa trong danh sách 44 đơn vị cả năm nay, chưa đạt được một nửa dự kiến trước đó.
Những con số trên vừa được ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết trong buổi họp báo tổ chức sáng 25-12 tại Hà Nội.
Ảnh minh họa. (Nguồn: VNM) |
Ông Tiến cho biết, tính đến ngày 20-12, đã có 45 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tuy nhiên, nếu chiếu theo danh mục cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt trước đó thì mới có 21 doanh nghiệp trong danh sách này.
Bởi vậy, tiến độ cổ phần hóa theo ông mới đạt "non nửa" kế hoạch đề ra (47,7%) trong khi chỉ còn vài ngày nữa là hết năm.
Việc cán đích theo ông Tiến “có thể không đạt được” nhưng vị lãnh đạo này cũng cho rằng, với các doanh nghiệp trong năm nay, tổng giá trị thực tế doanh nghiệp lên tới 213.747 tỷ đồng, tức là gấp 6 lần tổng giá trị thực tế các doanh nghiệp đã cổ phần hóa trong năm 2016. Ngoài ra, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 88.390 tỷ đồng, gấp 3,5 lần giá trị thực tế phần vốn Nhà nước của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa năm 2016.
Trước đó, tiến độ cổ phần hóa ì ạch là vấn đề đã được cảnh báo từ những tháng đầu năm.
Trong phần trả lời báo chí hồi giữa năm, một trong những nguyên nhân đã được ông Tiến nêu lên là do tư tưởng chần chừ của “sếp” các doanh nghiệp. Theo ông, quy mô doanh nghiệp càng lớn khi bóc tách ra sẽ càng đụng tới trách nhiệm của lãnh đạo các thời kỳ và của chính lãnh đạo hiện tại. Điều này khiến người đứng đầu các doanh nghiệp có tư tưởng sợ, né trách nhiệm.
Nói thêm về kế hoạch cổ phần hóa thời gian tới, ông Tiến cho biết, trong năm 2018, một số tên tuổi lớn sẽ có mặt như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil)...
Trong số trên, riêng BSR, PVPower và PVOil đã có quy mô vốn lên tới hơn 100.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam theo dự tính có quy mô vốn là 150.000 tỷ đồng.
Đây là những khoản cung theo ông Tiến đánh giá là lớn và tạo áp lực lên thị trường. Từ đó, ông cho rằng, những thương vụ này cần phân bổ, làm đều cả năm.
“Như năm nay, đầu năm túc tắc, cuối năm chạy, làm cho bức tranh điều hành dồn dập, thị trường bị dồn vào một thời điểm”, lãnh đạo ngành tài chính nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.