(HNM) - Cuối tuần qua, Báo Hànộimới nhận được thư của các hộ gia đình và nhân dân sống dọc hai bên bờ mương Tân Lập, phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị về việc quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời việc triển khai thi công tuyến mương K3B, gói thầu số 4 (thuộc dự án Thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội).
Có thể đối với một thành phố đang từng ngày, từng giờ bộn bề công việc, triển khai hàng loạt dự án, công trình phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển thì việc thi công mương Tân Lập thuộc tuyến K3B chỉ là một dự án thành phần, nằm trong một dự án tổng thể lớn của Thủ đô. Song, đằng sau câu chuyện này là những vấn đề rất lớn, rất quan trọng trong đời sống xã hội hiện nay.
Trước hết, đối với các hộ dân sống dọc hai bên bờ mương Tân Lập, phường Quỳnh Mai, công trình này hoàn thành đã giúp cho việc thoát nước trong khu vực được bảo đảm, chấm dứt tình trạng ngập úng nhiều ngày khi có mưa bão; vệ sinh môi trường được cải thiện; không còn điều kiện cho các ổ nhóm tệ nạn xã hội tụ tập ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh trật tự địa phương; giao thông đi lại của người dân được thuận lợi, an toàn... Ấy là những điều không hề nhỏ, nếu không muốn nói là đặc biệt quan trọng, tác động trực tiếp hằng ngày, hằng giờ tới đời sống sinh hoạt của hàng trăm hộ dân, hàng nghìn con người. Như vậy, có thể thấy, công trình này hoàn thành đã giúp cho hạ tầng kỹ thuật của thành phố từng bước được cải thiện một cách đồng bộ, đồng thời góp phần xây dựng trật tự văn minh đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong khu vực. Ấy cũng chính là mục tiêu mà mọi dự án, mọi công trình đã, đang và sẽ triển khai trên địa bàn Hà Nội đều hướng tới, nhằm đích cuối cùng là xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp, phục vụ đắc lực công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước. Tiến độ đến đích của chúng ta như thế nào, bao giờ hoàn thành những ý tưởng lớn, những chuyện to tát như vấn đề quy hoạch, môi trường, xây dựng đô thị, an sinh xã hội... xét cho cùng phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả của từng dự án thành phần như việc cải tạo mương Tân Lập thuộc tuyến K3B thuộc dự án Thoát nước, cải tạo môi trường thành phố là một ví dụ. Ở một khía cạnh khác, đây cũng chính là thuốc thử, là thước đo phẩm chất, năng lực lãnh đạo, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành.
Trở lại với câu chuyện trên, cho dù là một dự án thành phần, nhưng đã có thời điểm, có thể nói, người dân chưa bằng lòng với cung cách, lề lối làm việc của cơ quan chức năng, cũng như của lãnh đạo chính quyền cơ sở. Vậy nên, xét trên tổng thể địa bàn Hà Nội, việc cải tạo, thi công mương Tân Lập không quá khó khăn, phức tạp như thực hiện dự án cầu Nhật Tân, dự án đường sắt trên cao hay xây dựng cầu vượt tại nút giao thông Ô Chợ Dừa; song sự chậm trễ triển khai công trình này vì một số vướng mắc liên quan lại có những ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống dân sinh khu vực. Do đó, các hộ gia đình đã phải gửi đơn kiến nghị tới Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị. Và kết quả là, từ sự chỉ đạo sát sao của người lãnh đạo cao nhất của thành phố, các cấp, các ngành đã khẩn trương vào cuộc, tập trung nhân lực, vật tư, phương tiện... Và như vậy, khi những bất cập từng bước được tháo gỡ thì hạng mục công trình cũng nhanh chóng được hoàn thành để phục vụ người dân.
Điều đó cho thấy vấn đề gì?
Xin được đề cập tới một vấn đề thời sự: Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được gắn việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, lấy lại niềm tin trong Đảng và trong nhân dân. Và có thể nói, đây là những nội dung đặc biệt quan trọng để củng cố và xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, đội ngũ lãnh đạo các cấp hiện nay.
Suy cho cùng, tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh quy tụ lại ở tinh thần được làm "người đầy tớ thật trung thành của nhân dân" và điều đó trở thành suy nghĩ, việc làm hằng ngày. Trong một bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Hà Giang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Cán bộ từ trung ương đến khu, đến tỉnh, huyện và xã đều phải một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của nhân dân, chứ không phải là quan cách mạng". Muốn vậy, Người cho rằng, phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết; phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân. Cụ thể, như thống kê của các nhà nghiên cứu, trong 10 năm (1955-1965) khi đất nước còn bị chia cắt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có khoảng 700 lượt đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội… Tính ra, bình quân mỗi tháng có khoảng 6 lần Người gặp gỡ quần chúng nhân dân. Cũng vấn đề này, phát biểu tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Đặc biệt là phải tôn trọng và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; hết lòng, hết sức chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, chú trọng đến lợi ích trực tiếp của người dân; luôn trọng dân, gần dân, hiểu dân, tin dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh". Tư tưởng lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước một lần nữa đã được khẳng định trong từng chương, từng điều cụ thể của Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Chuyển hóa những vấn đề nêu trên thành tư tưởng và hành động là đòi hỏi cấp thiết đối với đội ngũ cán bộ công quyền hiện nay. Lý do là bước vào giai đoạn phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, cuộc sống thay đổi, đã không ít cán bộ, đảng viên, những người có chức có quyền lãng quên bài học về sức dân, quên đi nghĩa vụ công bộc của người cộng sản, thu vén lợi ích cho bản thân. Thực tế đời sống cho thấy hậu quả của chứng bệnh quan liêu, vô cảm, thờ ơ, thiếu trách nhiệm vẫn đang tồn tại. Từ đó, nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí là cả sự bức xúc, đòi hỏi của người dân không được những người có trách nhiệm và các cơ quan có thẩm quyền lắng nghe, chia sẻ, tìm biện pháp giải quyết thỏa đáng, và tất yếu xuất hiện những thắc mắc, kiến nghị, khiếu nại...
Với bối cảnh nêu trên, có thể thấy bức thư của đại diện các hộ gia đình ở phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) cảm ơn sự quan tâm của người lãnh đạo cao nhất thành phố là rất đáng trân trọng. Chính điều đó là bài học lớn đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp của thành phố về tư tưởng, hành động gần dân, trọng dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh trong những hội nghị diễn ra gần đây. Khi có động cơ trong sáng và tấm lòng chân thực chắc chắn sẽ có cách gần dân, để dân tin, dân phục, dân yêu. Cũng cần phải nói thêm, đây không phải là lần đầu tiên những người lãnh đạo cao nhất của Hà Nội trực tiếp gặp gỡ nhân dân, lắng nghe nguyện vọng của họ, từ đó có những chỉ đạo cụ thể giải quyết các vấn đề bức xúc, được dư luận quan tâm. Điển hình như chính sách bảo tồn Làng cổ Đường Lâm; phương án cải tạo nút giao thông Ô Chợ Dừa; hoạt động vận tải hành khách công cộng; việc quy hoạch, bố trí các bến xe trên địa bàn thành phố; xử lý sự cố đường ống nước sông Đà...
Hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tinh thần dân chủ phải được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Để mọi công việc người dân đều được tham gia, kiểm tra và hưởng lợi thì cán bộ phải thực sự gần dân, biết dựa vào dân và hành động vì lợi ích của nhân dân.
Ấy chính là những vấn đề mà đội ngũ cán bộ, đảng viên cần suy nghĩ qua bức thư của người dân phường Quỳnh Mai gửi tới Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.