(HNM) - Sáng nay (20-5), Quốc hội khóa XIII khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 5. Trước giờ khai mạc, các đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Đã có gần 1.800 ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới kỳ họp này. So với năm trước, chất lượng kiến nghị của cử tri nâng lên rõ rệt. Đó là thông tin tổng hợp kiến nghị của cử tri cả nước do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo Quốc hội trong ngày khai mạc.
Những ý kiến thẳng thắn, thiết thực và trách nhiệm
Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong những bức xúc của cử tri năm nay có những nội dung đã được kiến nghị nhiều lần nhưng do chưa giải quyết thấu đáo nên cử tri tiếp tục kiến nghị. Cử tri đưa ra không ít dẫn chứng, phân tích nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng nền kinh tế, giảm độc quyền kinh doanh xăng dầu, điện... Nhiều cử tri đề xuất giải pháp khắc phục thất thoát trong đầu tư, bàn cách làm sao đầu tư đúng địa chỉ, có thứ tự ưu tiên chứ không cào bằng, dàn trải như hiện nay. Các ý kiến, dù ở góc độ chung của toàn xã hội hay những vấn đề thiết thực, bức xúc ở từng địa phương, đều thể hiện rõ sự nghiêm túc, thẳng thắn và tinh thần trách nhiệm cao trước vận mệnh chung của đất nước. Đáng lưu ý, tập trung và đa dạng nhất là hàng triệu lượt ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đại bộ phận nhân dân, có cả cộng đồng người Việt định cư ở nước ngoài, đều cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có sự phân chia bố cục rõ ràng, giúp người đọc dễ hiểu, dễ nhìn nhận bao quát toàn bộ nội dung Hiến pháp. Đặc biệt, Dự thảo mới này đã bổ sung một số điều khoản về quyền con người, trách nhiệm bảo vệ môi trường và thành lập Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước mà Hiến pháp năm 1992 chưa đề cập. Tuy nhiên, người dân cũng phản ánh, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ở cấp cơ sở còn hình thức, lúng túng, bị động. Một số nơi in, phát Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tới từng hộ gia đình nhưng việc hướng dẫn thảo luận góp ý và tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân chưa tốt…
Cần những giải pháp đột phá trong lĩnh vực giáo dục, y tế
Một vấn đề khác được nhiều người dân quan tâm, đó là một số dự án sử dụng đất kém hiệu quả, gây lãng phí. Đặc biệt, không ít doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh thua lỗ, thất thoát tài sản nhưng việc xử lý trách nhiệm chưa nghiêm. Liên quan đến nông nghiệp, gần đây nổi lên vấn đề giá cả vật tư nông nghiệp tăng bất hợp lý, giá đầu ra một số nông sản, nhất là giá lúa giảm liên tục gây thiệt hại lớn cho nông dân. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long, do chưa có cơ chế, chính sách kiểm soát dịch bệnh và hạn chế nhập lậu thủy sản.
Cử tri cũng kiến nghị, hiện nay giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với giá vàng thế giới và đặt câu hỏi về năng lực của các cơ quan chức năng được giao trách nhiệm quản lý điều hành thị trường vàng. Về lĩnh vực giáo dục, nhân dân tiếp tục phản ánh tình trạng học thêm, dạy thêm vẫn tràn lan, nhất là ở khu vực đô thị dù Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm. Bên cạnh đó, bệnh thành tích không giảm, không phản ánh đúng thực trạng chất lượng giáo dục. Liên quan đến công tác khám chữa bệnh hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng viện phí chưa tỷ lệ thuận với chất lượng khám chữa bệnh, người bệnh sẽ phải chi phí nhiều hơn khi vào viện…
Các kiến nghị trên cho thấy, trong nhiều vấn đề dân sinh, dù Quốc hội, Chính phủ đã lắng nghe ý kiến cử tri với tinh thần trách nhiệm cao và có biện pháp kịp thời. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung chưa được giải quyết dứt khoát, thấu đáo. Do vậy, trong kỳ họp Quốc hội này, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đề nghị "tư lệnh" các ngành Y tế, GD-ĐT, NN&PTNT… trả lời công khai việc giải quyết những kiến nghị của cử tri. Với những vấn đề chưa xử lý được ngay, cần có lộ trình, kế hoạch cụ thể. Có như vậy mới đáp ứng mong mỏi của cử tri cả nước.
Ngày 11-6, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Việc công bố kết quả kiểm phiếu cũng sẽ tiến hành ngay trong chiều 11-6. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.