Theo dõi Báo Hànộimới trên

Flappy Bird, nghi vấn hối lộ và năng lực cạnh tranh

Theo Kim Tuấn| 26/03/2014 16:16

Năng lực cạnh tranh quốc gia - vấn đề quan trọng đến mức được Chính phủ dành riêng một Nghị quyết - dường như còn phủ bóng lên tất cả những đổi mới về thể chế đang được tiến hành dồn dập, lên cả những vụ việc riêng lẻ tưởng chừng không có liên quan.


Thật ra, những nét tư duy chủ đạo, những định hướng chủ đạo về năng lực cạnh tranh đã được người đứng đầu Chính phủ xác định rõ ràng trong bản Thông điệp đầu năm mới 2014, được dư luận trong và ngoài nước bình luận là thể hiện một tầm nhìn dài hạn.

Năng lực cạnh tranh chính là vấn đề đầu tiên mà bản Thông điệp đề cập, ngay sau phần mở đầu: “Đây là chỉ báo tham khảo quan trọng về vị trí của từng quốc gia trong cuộc ganh đua toàn cầu. Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững”.

Thông điệp của Thủ tướng cũng thẳng thắn thừa nhận, trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện. Đồng thời khẳng định, năng lực cạnh tranh được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh có tầm quan trọng hàng đầu; nguồn động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh, lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân.

Có thể thấy rằng Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ đã tiếp cận vấn đề theo đúng những định hướng lớn mà Thủ tướng đã gợi ra, trước hết là việc đặt năng lực cạnh tranh trong mối quan hệ gắn chặt với môi trường kinh doanh, thể hiện ngay từ tên gọi của Nghị quyết.

Đề cập đến rất nhiều nội dung khác nhau và khó có thể nói nội dung nào quan trọng hơn, song có thể dùng hai tính từ để nhận xét về Nghị quyết, đó là thẳng thắn và cụ thể.

Thẳng thắn, khi Nghị quyết chỉ ra thực trạng về năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Nghị quyết cũng hoàn toàn không đề cập đến những nguyên nhân khách quan, trong khi lại “chỉ tên” hàng loạt nguyên nhân chủ quan dẫn đến thực trạng ấy.

Cụ thể, bởi Nghị quyết đã đặt ra hàng loạt chỉ tiêu định lượng được, những chỉ tiêu mà không cần quá nhiều kiến thức chuyên sâu cũng có thể đánh giá được là đã đạt được hay chưa, hay đạt đến mức nào. Đó là những hỗ trợ mà các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đang thực sự cần: Rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn tối đa là 6 ngày, thời gian để doanh nghiệp phá sản tối đa 30 tháng, thời gian tiếp cận điện năng tối đa 70 ngày…

Nói một cách công bằng, trong số những yếu tố góp phần vào năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thời gian qua, bên cạnh những đột phá về thể chế có vai trò rất lớn, cũng còn không ít những yếu tố cạnh tranh mà ta có thể tạm gọi là chưa bền vững. Đó là cạnh tranh dựa trên nguồn tài nguyên dồi dào, nguồn nhân lực giá rẻ, chưa quan tâm đúng mức đến môi trường…

Không chỉ gây ra những hệ lụy nhiều mặt, ngày nay, những yếu tố cạnh tranh đó cũng không còn sức hấp dẫn, không còn “quyến rũ” các nhà đầu tư nữa. Họ cần, hoặc ít nhất cũng là cần thêm, những thứ khác, mà trong đó, “chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh có tầm quan trọng hàng đầu”. Cụ thể hơn, đó là môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao…

Hiện Chính phủ Việt Nam đang gấp rút triển khai hàng loạt những đột phá thể chế. Đó là tiến hành sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… theo tinh thần “cởi trói” mạnh mẽ cho kinh doanh; tiến hành tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước; đổi mới giáo dục, đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung phát triển hạ tầng giao thông vận tải; cải cách thủ tục hành chính.

Không khó để nhận ra, đây là những vấn đề thời sự nóng luôn được báo chí đề cập từ nhiều khía cạnh khác nhau trong suốt thời gian qua, cũng là những trọng tâm chỉ đạo, điều hành mà Chính phủ đã dành nhiều tâm huyết. Suy cho cùng, tất cả những giải pháp, những đột phá đó đều có chung một cái đích nâng cao năng lực cạnh tranh.

Không chỉ có thế, còn có thể nhận thấy quyết tâm của Chính phủ trong vấn đề này qua cách ứng xử của từng thành viên Chính phủ trong từng trường hợp cụ thể, mà nếu thoạt nhìn thì dường như không có sợi dây liên hệ nào với chuyện năng lực cạnh tranh. Đang thời sự nhất, đó là những phản ứng ngay lập tức và hết sức quyết liệt từ lãnh đạo Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải trước nghi vấn đưa-nhận hối lộ trong dự án đường sắt. Điều này cho thấy Việt Nam thực sự quyết tâm chống tham nhũng, một trong những yếu tố tiên quyết để tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, đã có cuộc gặp gỡ để động viên tác giả của chú chim Flappy Bird đúng vào lúc lập trình viên này gặp khó khăn sau những gì mà anh nói là “không thể chịu đựng nổi”. Cuộc gặp chính là sự động viên những tài năng, những đam mê và khát vọng chinh phục đỉnh cao.

Nói cho cùng, năng lực cạnh tranh quốc gia không thể tốt nếu mọi cá nhân không có điều kiện để phát huy tối đa năng lực và sức sáng tạo của mình.

Nghị quyết của Chính phủ đã “điểm đúng huyệt” các rào cản đang kìm hãm sự phát triển, những mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra cũng đang dần được cụ thể hóa, hiện thực hóa qua từng bước đi. Sẽ còn nhiều ghềnh thác trên đường, song có đủ cơ sở để tin rằng mục tiêu ấy là hòan toàn hiện thực./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Flappy Bird, nghi vấn hối lộ và năng lực cạnh tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.