(HNM) - Đúng như dự đoán, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất lần thứ ba trong năm 2018, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay và năm tới.
Động thái này đánh dấu lần nâng lãi suất thứ tám kể từ khi FOMC bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 12-2015. Quyết định được đưa ra sau khi FED nhận định nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp và lạm phát ổn định. Bên cạnh việc nâng lãi suất, FOMC tiếp tục dự báo sẽ nâng lãi suất thêm một lần nữa trước khi kết thúc năm 2018.
Tỷ lệ thất nghiệp giảm là một yếu tố khiến FED tăng lãi suất. |
Nhằm vực dậy nền kinh tế khỏi tình trạng khủng hoảng, FED đã giữ lãi suất mục tiêu gần mức 0% từ tháng 12-2008 và mãi cho tới cuối năm 2015, họ mới bắt đầu nâng lãi suất trở lại. Định chế đóng vai trò như một ngân hàng trung ương ở các quốc gia khác muốn bình thường hóa chính sách thông qua việc nâng lãi suất một cách từ từ.
Bên cạnh đó, các thành viên FOMC còn thể hiện quan điểm lạc quan hơn về nền kinh tế Mỹ. Trong các dự báo mới nhất, các quan chức FOMC ước tính, GDP Mỹ tăng trưởng 3,1% trong năm nay, cao hơn mức dự báo 2,8% hồi tháng 6-2018. Ngoài ra, ước tính tăng trưởng trong năm 2018 cũng điều chỉnh tăng 0,1% lên 2,5%. Trong khi đó, ước tính cho năm 2020 vẫn giữ nguyên ở mức 2%.
Giới truyền thông nhận định, việc Mỹ tăng lãi suất sẽ làm gia tăng khả năng dòng vốn chảy khỏi các quốc gia mới nổi, đặc biệt tại châu Á. Đối với một số ngân hàng trung ương ở khu vực châu Á, vấn đề không phải là FED có tăng lãi suất hay không mà là tăng bao nhiêu.
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga bất ngờ tăng mạnh lãi suất mới đây, tâm điểm chú ý của thị trường dịch chuyển về phía Indonesia và Philippines trong bối cảnh các nền kinh tế mới này tiếp tục chật vật trong việc ngăn đà sụt giảm của tỷ giá đồng nội tệ. Dự kiến, hai quốc gia này sẽ tăng lãi suất 0,25-0,5% ngay sau khi FED có động thái tương tự.
Dù rất tự tin về nền kinh tế Mỹ, tuy nhiên Chủ tịch FED Jerome Powell cũng cho biết, ngân hàng trung ương đang nhận được những quan ngại tiêu cực liên quan đến việc áp thuế quan và chính sách thương mại bảo hộ của chính quyền Tổng thống D.Trump.
Theo các nhà phân tích, vấn đề lo ngại hiện nay của FED là căng thẳng thương mại có thể làm gia tăng các nguy cơ đối với nền kinh tế Mỹ, đồng thời là yếu tố tác động tới quá trình hoạch định chính sách của Ban lãnh đạo FED. Sau khi phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, giá một số mặt hàng nông sản của Mỹ đang xuống thấp, trong khi giới doanh nghiệp Mỹ đang phải nhập khẩu nguyên liệu với chi phí ngày càng tăng.
Các quan chức FED cho rằng, căng thẳng thương mại vẫn chưa kìm hãm đà tăng trưởng của Mỹ nhưng điều đó có thể trở thành hiện thực nếu cuộc chiến này kéo dài. Trong khi đó, một số nhà phân tích lạc quan cho rằng động lực tăng trưởng từ gói kích thích kinh tế của Chính phủ Mỹ sẽ giúp duy trì sự vững mạnh của thị trường lao động, với tỷ lệ thất nghiệp đứng ở 3,9%, mức thấp nhất trong 50 năm.
Nhiều nhà phân tích dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy yếu vào năm tới, do tác động của các vụ tranh chấp thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, Canada, châu Âu và các đối tác thương mại khác. Trong kịch bản này, FED sẽ làm chậm lại tiến trình tăng lãi suất và có thể chỉ tăng lãi suất hai lần trong năm 2019 thay vì ba lần như dự kiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.