(HNM) - Những đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ tăng lãi suất cơ bản lần thứ hai - kể từ gần đây nhất vào tháng 12 năm ngoái - vào cuối tháng 4 ngày càng thiếu cơ sở.
Thị trường việc làm tại Mỹ có nhiều dấu hiệu khởi sắc. |
Biên bản cuộc họp chính sách quan trọng vừa được FED công bố cho thấy, phần lớn các nhà lãnh đạo của cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ vẫn chưa đồng ý tăng lãi suất, vì hiện còn quá nhiều rào cản đối với tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới.
Một trong những lý do khiến Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - quyết định tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất cơ bản hiện nay ở mức từ 0,25% đến 0,5% là triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa có thể ảnh hưởng đến sự hồi phục của nền kinh tế đầu tàu thế giới. Cuộc họp của FOMC, được các thị trường khắp thế giới dõi theo, cũng chứng kiến sự chia rẽ giữa các nhà lãnh đạo của Fed khi có nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm tăng lãi suất cơ bản sắp tới.
Thế nhưng, phần lớn trong tổng số 17 quan chức của FED tham gia cuộc họp đã nhất trí về kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ diễn ra "chậm và từ từ". Một số ý kiến tỏ ra thận trọng với việc điều chỉnh lãi suất tăng trong tương lai khi lo ngại nguy cơ tài chính và kinh tế toàn cầu có thể đe dọa đến triển vọng của hoạt động kinh tế và thị trường lao động tại Mỹ. Với những lo ngại đó, việc điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản vào cuối tháng 4 như đã từng dự định được nhiều nhà hoạch định của Fed đánh giá là vội vàng và không hợp lý.
Biên bản cuộc họp của FED được công bố gần hai tuần sau khi Chủ tịch FED Janet Yellen có bài phát biểu tại Câu lạc bộ kinh tế New York (Mỹ) về triển vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó nhấn mạnh thể chế tài chính này sẽ không thực thi chính sách vội vàng tăng lãi suất cơ bản khi những rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu vẫn chưa chấm dứt. Bà Yellen cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của cơ quan này sẽ "hành động một cách thận trọng" trong việc nâng lãi suất, bởi những nguy cơ đối với đà hồi phục chậm chạp của kinh tế toàn cầu vẫn hiện hữu.
Trong đó, tình trạng giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc với những khó khăn trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và triển vọng không mấy tích cực của thị trường hàng hóa, đặc biệt là giá dầu sẽ vẫn "phủ bóng đen" lên kinh tế Mỹ và thế giới. Số liệu kinh tế gần đây về chi tiêu tiêu dùng, đầu tư doanh nghiệp và thương mại quốc tế đều cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Mỹ chỉ còn dưới 1% trong quý I vừa qua, sau khi đạt mức tăng trưởng 1,4% vào quý IV-2015.
Tuy nhiên, điểm sáng đáng chú ý là số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua đã giảm mạnh hơn dự kiến. Đây là tín hiệu phản ánh rằng thị trường lao động nước này tiếp tục khởi sắc, bất chấp tăng trưởng ảm đạm. Những con số do Chính phủ Mỹ công bố cũng chỉ ra rằng, khoảng 2,4 triệu người đã tìm được việc làm trong giai đoạn từ tháng 9-2015 đến tháng 3-2016. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, với việc thị trường lao động Mỹ diễn biến tích cực và ngày càng có nhiều người tìm được việc làm mới, rất ít khả năng Fed thay đổi chính lãi suất trong ngắn hạn.
Lãi suất thấp ở mức tượng trưng gần 0% từng được Fed duy trì từ cuối năm 2008 như một công cụ nhằm khuyến khích đầu tư và tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất kể từ hơn nửa thế kỷ qua. Kể từ tháng 12 năm ngoái, FED đã quyết định nâng lãi suất cơ bản lên mức 0,25% đến 0,5%. Sau quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 9 năm qua của FED, giới quan sát dự đoán cơ quan này sẽ tăng lãi suất thêm 4 lần nữa trong năm 2016, với mỗi lần tăng 25 điểm cơ bản. Thế nhưng, đến nay con số ước tính đã giảm xuống 3 hoặc 2 lần. Một số nhà đầu tư dự đoán khả năng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 6-2016 và tháng 12-2016.
Các chỉ số chứng khoán từ Châu Âu đến Mỹ đều tăng điểm khi nhận được tín hiệu giữ nguyên lãi suất của FED. Cuộc họp vừa rồi cũng cho thấy có sự thống nhất chung với quan điểm của Chủ tịch Yellen rằng, môi trường kinh tế toàn cầu khó khăn đòi hỏi mức lãi suất thấp. Thực tế là mọi thay đổi trong điều hành nền kinh tế, trong đó có chính sách lãi suất của Mỹ đều tác động trực tiếp đến nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh lợi ích giữa các nền kinh tế ràng buộc lẫn nhau mạnh mẽ như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.