Mạng xã hội lớn nhất thế giới sẽ cung cấp các thông tin như vị trí nào trên trang được người dùng xem đầu tiên, khi nào họ mua hàng và mua bằng thiết bị gì.
Trong một thông báo vừa được gửi tới khách hàng quảng cáo, Facebook cho biết các hãng sẽ được tiếp cận những số liệu như số người dùng đã click vào một quảng cáo hay sử dụng thiết bị nào để mua sản phẩm, bất kể là trên smartphone, máy tính bảng hay máy tính để bàn.
Với dịch vụ mới này, Facebook muốn chứng minh quảng cáo qua điện thoại cũng có thể giúp các hãng có doanh thu, kể cả khi hoạt động mua hàng không thực hiện trên smartphone. Trong một nghiên cứu với Tập đoàn Altimeter, Facebook đã tìm ra rằng trong số những người hứng thú với quảng cáo trên điện thoại, có trên 32% sẽ lên máy tính để mua hàng trong vòng 28 ngày sau đó.
Facebook có rất nhiều cách phân tích hành vi của hơn 1 tỷ người dùng. Ảnh: Newspaper Times |
Vì người dùng phải đăng nhập tài khoản để sử dụng dịch vụ, Facebook có thể thu thập thông tin về hành vi của họ. Việc này cho phép hãng cung cấp nhiều số liệu cho các công ty hơn là thông qua hoạt động theo dấu bình thường, như cookie trên trình duyệt.
"Với báo cáo trên tất cả thiết bị, các công ty giờ đây có thể biết được khách hàng thấy quảng cáo ở đâu, dùng thiết bị gì và sau đó mua hàng như thế nào", Facebook cho biết.
Gần đây, Facebook đã tung ra rất nhiều dịch vụ cho các hãng quảng cáo, nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận cho mảng di động. Đầu năm nay, hãng mở rộng quảng cáo cho cả những người phát triển phần mềm chứ không riêng các công ty. Những người này sẽ được chọn đăng quảng cáo Facebook trên các ứng dụng của mình. Gần đây, mạng xã hội này còn mua hãng quảng cáo video trực tuyến LiveRail nhằm mở rộng kinh doanh.
Tuy nhiên, Facebook cũng đang bị cả người dùng và các cơ quan giám sát quyền riêng tư trên thế giới chỉ trích vì sử dụng dữ liệu cá nhân. Hồi tháng 6, một chuyên gia phân tích tại Facebook đã phải lên tiếng xin lỗi sau khi thử nghiệm tác động lên cảm xúc hơn 700.000 người dùng, bằng cách chọn lọc thông tin đăng trên bảng tin của họ mà không xin phép.
Đầu tháng này, 25.000 người dùng Facebook còn đồng ý tham gia vụ kiện khởi xướng bởi một sinh viên luật người Áo có tên Max Schrems. Anh cáo buộc mạng xã hội đã xâm phạm quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân và đòi bồi thường khoảng 670 USD mỗi người. Nếu thành công, vụ kiện này sẽ khiến Facebook mất ít nhất 16,7 triệu USD.
Schrems bày tỏ lo ngại về 3 hoạt động của Facebook. Đó là Graph Search - cho phép người dùng biết thông tin về lượt Thích và hoạt động của người dùng khác, công cụ theo dõi bên ngoài website - giúp Facebook giám sát lượt Thích trên các trang khác, và công cụ phân tích Big data - giúp mổ xẻ tương tác giữa các thành viên. Anh cũng chỉ trích hãng này hỗ trợ US Prism - chương trình do thám và khai thác thông tin cá nhân của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.