(HNM) - Mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Liên minh Châu Âu (EU) chưa thể giảm nhiệt khi liên minh 28 thành viên vừa quyết định kéo dài thời hạn thực hiện những biện pháp trừng phạt đối với các lĩnh vực kinh tế đặc thù của Nga đến ngày 31-7-2018. Lãnh đạo EU cho biết, họ lấy làm tiếc khi các thỏa thuận trong khuôn khổ Hiệp định Minsk về thiết lập lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine đã không được thực thi đầy đủ.
Lệnh trừng phạt Nga của EU đã khiến nền kinh tế khu vực này thiệt hại đáng kể. |
Các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga chủ yếu nhằm vào những lĩnh vực chuyên biệt như năng lượng, quốc phòng và tài chính, đồng thời lệnh này cũng cấm các doanh nghiệp Châu Âu đầu tư tại Nga. Lệnh trừng phạt bắt đầu sau cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine và việc bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3-2014. Kể từ đó đến nay, cứ mỗi 6 tháng, các nhà lãnh đạo EU lại xem xét gia hạn trừng phạt Mátxcơva. Đổi lại, Nga cũng trả đũa bằng cách thiết lập một lệnh cấm nhập khẩu đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến từ EU, hiện vẫn đang có hiệu lực. Lệnh cấm vận từ phía Nga cũng nhiều lần được gia hạn với thời gian là 6 tháng.
Theo các nhà phân tích, biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào những lĩnh vực kinh tế then chốt đã khiến cả Nga và EU phải chịu nhiều tổn thất về kinh tế. Trong hơn 3 năm qua, các nước phương Tây đã thiệt hại tới hơn 100 tỷ USD do mối quan hệ căng thẳng với Nga, cao gấp đôi mức tổn thất kinh tế của Nga là khoảng 55 tỷ USD (tương đương 1% Tổng sản phẩm quốc nội của nước này). Bản báo cáo đặc biệt của Liên hợp quốc về tác động tiêu cực của những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga công bố gần đây cho thấy, nền kinh tế EU thiệt hại 3,2 tỷ USD/tháng, trong đó Đức được cho là bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trung bình hằng tháng xuất khẩu của Đức sang Nga giảm 727 triệu euro trong khi giới doanh nghiệp Đức ước tính có khoảng 42.000 người thất nghiệp do sự suy giảm này, trong đó nhiều công ty phá sản.
Trong khi đó, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, gói biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ nhằm vào Nga cũng khiến thiệt hại của EU trầm trọng hơn. Theo quy định mới, Washington có thể phạt các công ty nước ngoài nếu tham gia vào các dự án liên quan đến đầu tư, bảo trì, sản xuất trang thiết bị cho các đường ống dẫn khí đốt của Nga, trong đó có dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Đứng trước thực tế đáng lo ngại này, giới doanh nghiệp Châu Âu, đặc biệt là Đức, kêu gọi giới lãnh đạo chính trị và ngoại giao nỗ lực ngăn việc siết chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt chống Nga.
Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của Châu Âu cho thấy triển vọng này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Hiện một lệnh ngừng bắn toàn diện, bền vững và vô thời hạn đã được bắt đầu từ 0 giờ ngày 23-12 (giờ Kiev) tại khu vực này. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết sẽ nỗ lực để thực hiện một cuộc trao đổi tù nhân nhanh giữa các bên xung đột ở miền Đông, động thái được nhà lãnh đạo Đức nhìn nhận là hành động tích cực trong nỗ lực tìm giải pháp kết thúc xung đột. Tuy nhiên, với thực tế là các lệnh ngừng bắn thường xuyên bị phá vỡ, việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine còn là một quá trình nan giải khi các bên đều không muốn từ bỏ những lợi ích của mình.
Vì thế, tình trạng căng thẳng giữa EU và Nga vẫn chưa thể giảm nhiệt cho dù đối thoại giữa Mátxcơva và Brussel đang từng bước có kết quả khá tích cực. Dẫu rằng các khác biệt cơ bản cho tới nay vẫn chưa giải quyết được, nhưng việc cùng trao đổi là cần thiết để tìm ra lối thoát. Đặc biệt khi sự xa cách đang gây tác động tiêu cực đối với cả hai phía và việc căng thẳng Đông - Tây kéo dài cũng tạo ra những nguy cơ đối với an ninh và ổn định toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.