(HNM) - Trong một nỗ lực nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế và nâng tỷ lệ lạm phát, Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã quyết định hạ lãi suất đối với các phương tiện tiền gửi thêm 0,1%, xuống mức -0,3%...
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế khu vực không được như kỳ vọng sau gần một năm ECB tung ra gói nới lỏng định lượng, bơm 1,1 nghìn tỷ euro vào Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Theo số liệu Cơ quan thống kê Eurostat vừa đưa ra, trong quý III năm 2015, tăng trưởng kinh tế của khu vực gồm 19 thành viên này đã giảm xuống mức 0,3%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 0,4% của quý II. Giới phân tích nhận định số liệu trên cho thấy nền kinh tế Eurozone vẫn tiếp tục hồi phục song mong manh, trong bối cảnh các nền kinh tế mới nổi không khởi sắc.
Gói kích thích kinh tế mới của ECB do Chủ tịch Mario Draghi công bố chưa làm hài lòng các nhà đầu tư. |
Sự giảm tốc chủ yếu do kinh tế Đức vốn phụ thuộc vào xuất khẩu chỉ đạt tăng trưởng 0,3%, chịu ảnh hưởng từ nguồn cầu từ Trung Quốc giảm và vụ bê bối gian lận khí thải của Hãng ô tô Volkswagen. Kinh tế Italia chỉ đạt tăng trưởng 0,2%, thấp hơn mức dự kiến 0,3%. Kinh tế Hy Lạp giảm 0,5%, trong bối cảnh nước này đang phải sống nhờ tiền cứu trợ và phải áp dụng biện pháp kiểm soát vốn.
Một khu vực đáng lo ngại nữa trong Eurozone là Bồ Đào Nha khi nền kinh tế giậm chân tại chỗ do nguồn cầu trong nước quá yếu. Nhà phân tích Jenifer McKeown cho rằng kinh tế khu vực sẽ tiếp tục tăng chậm lại cuối năm nay khi sự hỗ trợ mang tính tạm thời của một đồng euro yếu và giá dầu giảm ít phát huy tác dụng.
Thực tế nói trên cho thấy, ECB cần duy trì và kéo dài chính sách hỗ trợ vì tỷ lệ lạm phát của khu vực không thay đổi nhiều, chỉ ở mức 0,1%, còn cách quá xa so với mức mục tiêu 2% mà ECB đặt ra. Điều này khiến nhiều người lo ngại bởi đây là con số phản ánh trực tiếp nhu cầu tiêu dùng thấp. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, người tiêu dùng sẽ trì hoãn mua sắm còn các doanh nghiệp sẽ giảm đầu tư, sa thải lao động, giảm tiền lương và kéo theo đó là vòng xoáy suy thoái có thể khiến nền kinh tế trật đà tăng trưởng.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong Eurozone vẫn ở mức cao 11%, gần như không đổi so với những tháng gần đây với tổng số người thất nghiệp vào khoảng 18 triệu. Trong đó, số người trẻ tuổi không có việc làm vẫn ở mức đáng lo ngại (21,9%). Đặc biệt, tại Hy Lạp, số người trẻ tuổi không có việc làm đã lên tới 51,8%. Tỷ lệ này ở Tây Ban Nha, quốc gia cũng đang gặp khó khăn trong việc cải thiện thị trường việc làm sau khủng hoảng, là 48,6%. Các số liệu mới nhất này phát đi tín hiệu yếu ớt về khả năng duy trì lộ trình phục hồi nền kinh tế Eurozone.
Hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng, các biện pháp kích thích vừa được ECB đưa ra vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư và vì vậy đã gây ra biến động lớn trên các thị trường tài chính. Trước đó, nhiều nhà phân tích thị trường dự đoán mức lãi suất phải được hạ xuống -0,4%. Việc tăng quy mô của APP cũng được cho là cần thiết hơn biện pháp kéo dài như quyết định của ECB.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Japan Asia Securities Mitsuo Shimizu cho hay, thị trường đã chờ đợi một giải pháp mang tính "kỳ diệu" từ Chủ tịch ECB Mario Draghi với những biện pháp kích cầu mang tính mạnh mẽ hơn nhưng sau đó lại phải nhận về một cú sốc. Trong khi đó, theo một số chuyên gia kinh tế, ECB đang lĩnh trách nhiệm giải cứu Eurozone. Nhưng sự chậm trễ của chính phủ các nước trong việc cải cách cơ cấu kinh tế có thể xóa đi những cố gắng của ECB trong thời gian qua.
Các nhà kinh tế lưu ý rằng, chỉ nỗ lực của ECB là chưa đủ, chính phủ các nước cần đưa ra các giải pháp cụ thể là đẩy nhanh cải cách trong khu vực. Nói cách khác, ECB chỉ có thể đóng vai trò hỗ trợ trong việc phục hồi kinh tế, chứ không thể giữ vai trò "nhạc trưởng" để chấm dứt khủng hoảng nợ công đã đeo bám Eurozone từ mấy năm nay. Biện pháp cắt giảm lãi suất và mua trái phiếu chỉ hỗ trợ chứ không thể giải quyết được mọi vấn đề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.