Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất chủ chốt lên mức cao kỷ lục hôm 14-9 và báo hiệu đây có thể sẽ là động thái cuối cùng trong cuộc chiến kéo dài hơn một năm chống lại lạm phát cao dai dẳng.
Quyết định tăng lãi suất của ECB diễn ra khi lo ngại về chi phí vay cao hơn có thể đẩy nền kinh tế của lục địa này rơi vào suy thoái.
Trong lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp, ECB đã tăng 25 điểm phần trăm của 3 loại lãi suất chính, gồm lãi suất tái cấp vốn lên 4,25%, lãi suất tiền gửi lên 4% và lãi suất cho vay lên 4,5% - những mức cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời vào năm 1999.
Tại cuộc họp báo, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, lãi suất ở mức “được duy trì trong thời gian đủ dài” sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm lạm phát.
Hiện ECB đã cắt giảm lãi suất ở mức gần bằng 0 - mức thấp chưa từng thấy để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhằm khuyến khích chi tiêu và kiềm chế lạm phát. Chiến thuật này kéo dài trong nhiều năm, đẩy lãi suất của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) xuống mức thấp lịch sử.
Nhưng sự kết hợp của nhiều yếu tố như đại dịch Covid-19 và những hậu quả của nó cũng như cuộc xung đột Nga - Ukraine, gây áp lực lên giá các mặt hàng cốt lõi như thực phẩm và nhiên liệu, đã bắt đầu đẩy lạm phát vượt mục tiêu 2% của ECB vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Đến mùa hè năm 2022, muộn hơn vài tháng so với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ECB bắt đầu tăng lãi suất.
Tuy nhiên, dù đã 9 lần tăng lãi suất liên tiếp, lạm phát vẫn cao hơn gấp đôi mức mục tiêu 2% ECB đặt ra và dự báo sẽ không giảm về mức này trong 2 năm tới.
ECB cho rằng lạm phát sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian tới với mức 5,6% trong năm 2023; 3,2% trong năm 2024 trước khi hạ nhiệt xuống còn 2,1% vào năm 2025. Bên cạnh đó, ECB cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone trong 3 năm tới, trong bối cảnh các điều kiện tài chính khó khăn tác động tiêu cực đến nhu cầu và thương mại quốc tế suy giảm.
Cụ thể, ECB dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực sẽ ở mức 0,7% trong năm nay, 1% trong năm 2024 và 1,5% trong năm 2025. Các dự báo ảm đạm về kinh tế đã thúc đẩy các lời kêu gọi ECB tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất vì lo ngại nó có thể làm suy thoái sâu hơn.
Theo các nhà phân tích, việc tăng lãi suất sẽ kiềm chế lạm phát vì có thể cản trở việc vay mượn và chi tiêu, nhưng cũng đồng thời có nguy cơ bóp nghẹt hoạt động kinh tế. Bên cạnh đó, chi phí vay cao hơn ở hầu hết các nơi trên thế giới và tình trạng bất ổn của kinh tế Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế, với khả năng xảy ra suy thoái ở Eurozone là rất cao.
Lãi suất cao hơn đã tác động mạnh đến thị trường bất động sản, đẩy lãi suất vay thế chấp lên cao hơn và chấm dứt đợt tăng giá nhà kéo dài hàng năm trời.
Theo khảo sát của các nhà quản lý mua hàng của S&P Global, các nền kinh tế lớn của châu Âu như Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Italia cũng chứng kiến hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ bị thu hẹp trong tháng 8 ngay cả khi vào giai đoạn kết của mùa hè du lịch sôi động ở Tây Ban Nha và Italia.
Điều đó xảy ra cùng với sự suy giảm trong hoạt động sản xuất toàn cầu đang tác động đặc biệt mạnh đến Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, với mức giảm GDP dự kiến là 0,4%. Hơn nữa, bức tranh kinh tế không giống một cuộc suy thoái điển hình vì tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone ở mức thấp kỷ lục 6,4%.
Các nhà hoạch định chính sách coi dự báo năm 2024 là rất quan trọng để xác định liệu lạm phát, hiện vẫn ở mức trên 5%, có thể quay trở lại mức mục tiêu hay có nguy cơ bị mắc kẹt ở mức cao hơn.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine và những căng thẳng địa chính trị rộng hơn tiếp tục gây ra rủi ro và vẫn là nguồn gốc của sự bất ổn. Nguy cơ về khí hậu ngày càng gia tăng, được minh họa bằng điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cháy rừng và lũ lụt chưa từng có trong mùa hè năm nay cũng đè nặng lên triển vọng.
Nhìn chung, đà tăng trưởng yếu hơn ở EU dự kiến sẽ kéo dài đến năm sau và tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ tiếp tục hạn chế hoạt động kinh tế. Dù vậy, điểm sáng trong bức tranh “ảm đạm” này là tăng trưởng dự kiến sẽ phục hồi nhẹ vào năm 2024 do lạm phát tiếp tục giảm, thị trường lao động vẫn mạnh mẽ và thu nhập thực tế dần phục hồi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.