(HNM) - Nền kinh tế Việt Nam đang cần thêm nhiều vốn để thúc đẩy sự tăng trưởng, cũng như củng cố sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Điện tử Samsung Việt Nam. Ảnh: Yến Ngọc |
Sau hơn 25 năm mở cửa, Việt Nam đã phần nào thành công trong thu hút vốn ĐTNN và nguồn vốn này đã đóng góp tích cực, đáng kể cho quá trình phát triển theo hướng CNH-HĐH. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) ĐTNN hiện chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc và từng bước tạo dựng uy tín với đối tác quốc tế. Đến nay, Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo các bộ, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án và hoạt động ổn định; kiên trì chủ trương thường xuyên cải thiện, nâng cao sức hấp dẫn về môi trường đầu tư - kinh doanh; cải cách hành chính; ưu đãi hợp lý và hỗ trợ nhà đầu tư cả trước, trong khi thực hiện dự án. Cũng nhờ vậy, đến nay Việt Nam đã thu hút khoảng 200 tỷ USD vốn ĐTNN đăng ký. Riêng 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư cấp mới và đăng ký tăng thêm là 10,473 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2012. Các dự án ĐTNN cũng đã giải ngân 5,7 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là dấu hiệu rất đáng khích lệ trong bối cảnh trầm lắng về hoạt động đầu tư diễn ra trên phạm vi toàn cầu, khiến kết quả thu hút vốn ĐTNN suy giảm ở nhiều quốc gia khác. Đáng ghi nhận hơn là kết quả khảo sát "Triển vọng kinh doanh ASEAN năm 2012-2013" do Hiệp hội Kinh doanh Singapore và Phòng Thương mại Mỹ vừa công bố, có 57% nhà đầu tư vẫn chọn Việt Nam là địa chỉ để mở rộng đầu tư, bỏ xa các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines...
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, dòng vốn ĐTNN "chảy" vào Việt Nam đã có sự dịch chuyển đáng kể, thay đổi về địa điểm. Cụ thể, trước đây Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa bàn ưu tiên hàng đầu của giới đầu tư thì nay đã không còn như vậy. Nguyên nhân chủ yếu là do quỹ đất sạch không còn nhiều, đồng thời hai thành phố này cũng kén dự án hơn các địa phương khác. Trong khi đó, các tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ninh lại liên tiếp đón nhận một số dự án quy mô lớn, trị giá từ hàng trăm triệu USD hoặc đến 2 tỷ USD, như dự án của Tập đoàn Samsung tại Thái Nguyên mới đây. Các chuyên gia nhận định, qua những dự án này, các địa phương sẽ có điều kiện để đẩy mạnh tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm và nguồn thu tại chỗ. Cũng qua việc phân bổ đều nguồn vốn, bản đồ thu hút ĐTNN từng bước được điều chỉnh lại hợp lý hơn, giảm bớt tình trạng "nước chảy chỗ trũng". Bên cạnh đó, nhiều tỉnh cũng đang nỗ lực triển khai những hoạt động xúc tiến đầu tư, chủ động mời gọi nhà ĐTNN bằng nhiều phương thức.
Song, thu hút vốn ĐTNN chưa bao giờ là con đường bằng phẳng, bởi sự cạnh tranh và yêu cầu khắt khe của cả nhà đầu tư cũng như bên tiếp nhận đầu tư. Dư luận vẫn tỏ ra lo ngại trước thực trạng một số dự án quy mô lớn, nhưng không triển khai với nhiều lý do, phần lớn do chủ quan của nhà đầu tư, gây ra tình trạng "vốn ảo". Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực rà soát, đánh giá lại chất lượng, cũng như khả năng triển khai của nhiều dự án; nhất là những dự án quy mô lớn, sử dụng nhiều đất. Bộ vừa yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình thực hiện dự án trên địa bàn có số vốn hơn 100 triệu USD và sử dụng từ 50ha đất trở lên; trong đó nhấn mạnh các nội dung như tình hình sử dụng đất, việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng; việc góp vốn của các chủ đầu tư; tình hình huy động vốn; thực hiện các mục tiêu quy định tại giấy chứng nhận đầu tư; việc thực hiện cam kết về tiến độ triển khai dự án; tình hình chấp hành các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước... Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, tình hình ĐTNN đang có những diễn biến mới, cần theo dõi để có biện pháp điều chỉnh phù hợp nhằm phát huy thế mạnh, khắc phục những tồn tại nhằm thu hút tối đa và sử dụng nguồn vốn này hiệu quả hơn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.