(HNM) - Trong “dông bão” của một năm đầy biến động, ngành Nông nghiệp đã vượt qua vô vàn thách thức: Thiên tai, dịch bệnh, thị trường đứt gãy… và đạt được nhiều thành công đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để nông nghiệp thật sự là “bệ đỡ”, góp phần ổn định đời sống xã hội, duy trì đà tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy phục hồi kinh tế… thì thích ứng linh hoạt với thách thức là hết sức cần thiết.
Năm 2021, có những lúc giá nguyên vật liệu tăng cao, sản xuất cầm chừng, giao thương ngưng trệ…, nhưng với khả năng thích ứng linh hoạt, giá trị gia tăng của ngành Nông nghiệp vẫn đạt 2,9%, kim ngạch xuất khẩu lên tới 48,6 tỷ USD… Sản xuất, kinh doanh đã, đang hướng tới nhu cầu thị trường, vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh xã hội. Các chuỗi giá trị đã khẳng định vai trò đầu tàu trong ứng dụng công nghệ cũng như tiếp cận với các hình thức thương mại hiện đại…
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, nền nông nghiệp vẫn còn không ít bất cập, hạn chế. Xuất khẩu nông sản tăng trưởng mạnh nhưng vẫn phụ thuộc vào một số thị trường, thặng dư thương mại chưa cao; phát triển chưa có chiều sâu, chưa dựa trên nền tảng sáng tạo và chuyển đổi số; công tác dự báo thị trường, tác động của biến đổi khí hậu còn hạn chế; chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến còn nhiều bất cập…
Dự báo năm 2022, thách thức vẫn đang ở phía trước, để đạt mục tiêu tăng trưởng 2,8-2,9%, kim ngạch xuất khẩu 49 tỷ USD…, ngành Nông nghiệp sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp.
Trước hết, các cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp cần định vị lại giá trị cốt lõi, tiếp cận những xu thế phát triển ở tất cả ngành hàng; thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn hướng tới sự tăng trưởng bao trùm. Trên cơ sở đó, phối hợp với các địa phương hoàn thiện cơ chế chính sách, huy động mọi nguồn lực phát triển nông nghiệp bền vững, theo chiều sâu; đồng thời dựa vào đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động.
Cùng với đó là tăng cường năng lực nắm bắt thị trường, dự báo cung - cầu nông sản; qua đó, tổ chức kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; phát triển các chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm an toàn… Đồng thời, theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, chủ động trong chỉ đạo sản xuất, linh hoạt các giải pháp thích ứng với thách thức mới, hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro, thiệt hại.
Mặt khác, tập trung nâng cao năng lực bảo quản chế biến, tạo cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến - chế biến sâu nhằm tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu khắt khe của các thị trường, tăng cường xuất khẩu chính ngạch, gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp; xây dựng các sản phẩm quốc gia, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Đặc biệt là tranh thủ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu.
Và một điều không thể không nói đến là phát triển nông nghiệp gắn với thúc đẩy kinh tế nông thôn; phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với du lịch…, qua đó ổn định thị trường lao động ở khu vực nông thôn để người dân không cần ly nông, ly hương; đồng thời gắn thu nhập trực tiếp của người nông dân với sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp.
Với việc thích ứng linh hoạt, chúng ta có cơ sở để kỳ vọng, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng trong năm 2022…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.