Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đường sắt cần cải thiện chất lượng dịch vụ, tần suất tàu đi đến đúng giờ, an toàn

Lương Ninh Giang| 05/01/2023 17:26

(HNMO) - Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) được tổ chức chiều 5-1 tại Hà Nội.

Tổng Giám đốc VNR Đặng Sỹ Mạnh cho biết, năm 2022, hoạt động của ngành Đường sắt vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, song đã có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, sản lượng vẫn chưa đạt mức của năm 2019, trước khi có dịch Covid-19. Đáng mừng là năm 2022, ngành Đường sắt đã có lãi từ kinh doanh vận tải. Doanh thu đạt hơn 7.718 tỷ đồng, bằng 113,8% so với cùng kỳ và đạt 115,8% kế hoạch năm, qua đó, giúp giảm lỗ 407 tỷ đồng so với năm 2021.

Vận tải đường sắt đang phục hồi.

Vận chuyển hành khách của Đường sắt năm 2022 đạt 4,52 triệu lượt hành khách lên tàu, bằng 310,7% cùng kỳ; vận chuyển hàng hoá đạt 5,7 triệu tấn, bằng 100,8% cùng kỳ...

Đáng chú ý, tỷ lệ tàu đi đúng giờ đối với tàu khách Thống Nhất chạy tuyến Bắc - Nam đạt 98,9%, tàu đến đúng giờ đạt 77,4%. Tàu khách khu đoạn đi đúng giờ đạt 97,7% (tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021), tàu đến đúng giờ đạt 84,6% (tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2021).

Các đơn vị vận tải đường sắt đã chủ động triển khai phương án bán vé tàu Tết Nguyên đán 2023. Sau khi mở bán từ ngày 25-10-2022 tính đến ngày 2-12-2022, ngành Đường sắt đã bán được 129.257 vé tàu Tết với tiền thu 192,9 tỷ đồng.

Trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, so với cùng kỳ năm 2019, tai nạn giao thông đường sắt giảm cả 3 tiêu chí. Cụ thể, số vụ tai nạn là 216 vụ, giảm 41 vụ (tương đương giảm 16%); làm chết 85 người, giảm 25 người (22,7%); bị thương 126 người, giảm 54 người (30%); sự cố chạy tàu 767 vụ, giảm 251 vụ (24,7%).

Đường sắt linh hoạt các phương án bán vé tàu Tết.

Đề cập tới các nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2023, Tổng giám đốc VNR Đặng Sỹ Mạnh cho biết sẽ xây dựng biểu đồ chạy tàu phù hợp với năng lực hạ tầng và phương tiện; hoàn thiện các phương án về giá dịch vụ; khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ; triển khai hoàn thành kế hoạch quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2023 theo đúng các quy định tại hợp đồng và các tiêu chuẩn, chất lượng hiện hành, đảm bảo tiến độ giải ngân…

VNR tập trung phát triển các tàu khách khu đoạn (đường ngắn), đầu tư chất lượng phương tiện, nâng cao các dịch vụ phục vụ, có sự gắn kết giữa trên tàu với dưới ga; đưa ra các chương trình ưu đãi, chính sách linh hoạt để cạnh tranh với các phương tiện vận chuyển khác; tăng cường liên kết với các công ty du lịch, định hướng vận chuyển hành khách gắn với du lịch; tăng cường vận tải container, vận tải liên vận quốc tế và tích cực tham gia vào chuỗi logistics; nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ tàu chuyên tuyến, tàu container Bắc - Nam, container lạnh...

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, năm 2022 đánh dấu mốc phục hồi của nền kinh tế, trong đó có ngành Đường sắt khi sản lượng vận tải tăng, giảm lỗ sâu so với kế hoạch, có đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Ngành Đường sắt cần xác định 3 trụ cột, đó là kết cấu hạ tầng (gồm các đơn vị bảo trì, quản lý hạ tầng), vận tải (cung cấp dịch vụ vận tải hành khách và hàng hoá) và công nghiệp cơ khí đường sắt.

“VNR phải bán cái thị trường cần, muốn vậy, cần cải thiện chất lượng dịch vụ, tần suất tàu đi đến đúng giờ, an toàn, tạo thuận tiện cho người dân khi mua vé, lên tàu. Ngành Đường sắt có bộ máy, tổ chức, cơ sở vật chất nhưng chưa năng động, mà mới chỉ tập trung vào sản xuất đầu máy, toa xe phục vụ ngành và các đơn vị vận tải”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy lưu ý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đường sắt cần cải thiện chất lượng dịch vụ, tần suất tàu đi đến đúng giờ, an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.