Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đường dây nóng có “nóng”?

Tuấn Khải| 12/02/2018 07:30

(HNM) - Hằng năm, vào mỗi dịp lễ, Tết, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia lại công bố từ 10 đến 12 số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin của người dân về tình hình trật tự an toàn giao thông, nhất là tình trạng tăng giá vé, nhồi khách, dừng đỗ đón trả khách sai quy định...


Các số điện thoại này thuộc quyền quản lý của các cơ quan chức năng liên quan như: Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Công an, Bộ GT-VT... Và theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, vào mỗi dịp Tết, trung bình mỗi ngày, các đường dây nóng tiếp nhận tới vài chục cuộc điện thoại, tin nhắn của hành khách phản ánh về các bất cập trên hành trình về quê. Sau khi tiếp nhận thông tin, Ủy ban đã đề nghị các lực lượng chức năng kịp thời kiểm tra, xử lý. Về cơ bản, các đường dây nóng đã phát huy hiệu quả.

Không phủ nhận hiệu quả mà những đường dây nóng mang lại, song nhiều hành khách cho biết, không phải lúc nào đường dây nóng cũng “nóng”. Không ít trường hợp thấy những cảnh bức xúc, nhưng người dân không dám dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh, thậm chí là nhấc máy gọi tới đường dây nóng, bởi lo sợ lái xe, phụ xe gây khó dễ, thậm chí hành hung, dừng xe đuổi xuống...

Vậy nên, cách phổ biến vẫn là lẳng lặng nhắn tin đề nghị can thiệp. Đáng tiếc, tin nhắn gửi đi không phải lúc nào cũng được phản hồi là đã tiếp nhận và sẽ kiểm tra, xử lý. Nhiều trường hợp, tin nhắn được gửi đi ngay từ khi xe ra khỏi bến, ra khỏi cửa ngõ Thủ đô, nhưng sau đó chuyến xe vẫn vô tư đi đến tận bến cuối cùng, tức là hoàn thành cả một hành trình dài 300-400km mà không thấy lực lượng chức năng kiểm tra. Hành khách vẫn tiếp tục bị nhồi nhét dù số lượng ghế trên xe có giới hạn.

Có những xe vẫn thu quá giá dù đã có khuyến cáo từ Bộ GT-VT và các bến xe là không được tăng giá. Khi hành khách phản ứng về việc này thì nhà xe chỉ giải thích đơn giản là do ngày Tết khách đông nên phải phụ thu thêm, nếu không đồng ý có thể xuống đón xe khác. Ngày Tết ai cũng mong được về quê sớm, nên đành chấp nhận trả tiền trong nỗi ấm ức. Chưa kể một số đường dây nóng là số điện thoại cố định, nên sẽ không nhận được tin nhắn của hành khách.

Vậy nên, câu hỏi "đường dây nóng có “nóng” thực sự?", cũng đồng thời là nỗi băn khoăn, mong mỏi sớm được giải đáp của đông đảo hành khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường dây nóng có “nóng”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.