Phải khẳng định, dù trong bối cảnh hết sức khó khăn, Việt Nam đã, đang ứng phó hiệu quả với những rủi ro, thách thức từ bên ngoài, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt, Việt Nam tập trung triển khai hiệu quả ba đột phá chiến lược về hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, với quan điểm xuyên suốt là không hy sinh công bằng, tiến bộ, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Tuy vậy, trong quá trình phát triển, nhất là những năm gần đây, vì là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam đã, đang chịu ảnh hưởng lớn từ những tác động của nền kinh tế thế giới, với không ít khó khăn, thách thức đặt ra. Nhấn mạnh rõ hơn vấn đề này, trong phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới các nhà tiên phong tại Thiên Tân (Trung Quốc) năm 2023 diễn ra ngày 27-6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ ra 6 “cơn gió ngược” đang cản trở sự tăng trưởng của kinh tế thế giới và Việt Nam. Đó là: Suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng…; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới và các nước còn kéo dài; cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ; các cuộc xung đột, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu; các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất và có khả năng hạn chế trong thích ứng và sức chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.
Có thể thấy, 6 “cơn gió ngược” được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu ra là “bức tranh” toàn cảnh về những khó khăn, thách thức không chỉ Việt Nam mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt. Và thực tế thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để đương đầu với những “cơn gió ngược” này một cách hiệu quả. Cụ thể, với quan điểm nhất quán người dân là mục tiêu, là chủ thể, là trung tâm, là nguồn lực, là động lực cho phát triển đất nước; vì vậy, mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đều hướng đến người dân. Minh chứng rõ nét nhất là nước ta đã ứng phó hiệu quả đại dịch Covid-19, bảo đảm sinh kế của nhân dân, đồng thời dành sự quan tâm, ủng hộ rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Từ những bài học kinh nghiệm quý giá trên thực tế ở Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cách tiếp cận và định hướng quan trọng để hóa giải 6 “cơn gió ngược” là: Tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương; tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy thương mại, đầu tư; thúc đẩy tổng cung và tổng cầu thông qua các chính sách tiền tệ, tài khóa; không chính trị hóa các quan hệ kinh tế, giảm thiểu các yếu tố cản trở sự phát triển của toàn cầu; sớm tìm giải pháp giải quyết các cuộc xung đột; tăng cường hợp tác công - tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp…
Những khó khăn, thách thức hiện hữu là không riêng của quốc gia nào. Do đó, với những vấn đề mang tính toàn cầu, cách giải quyết cũng phải tiếp cận ở góc độ toàn cầu và toàn dân. Nói cụ thể hơn, các quốc gia cần tăng cường hiểu biết, liên kết, hợp tác, chia sẻ; tránh phân mảnh, phân tách, phân rã, hạn chế bảo hộ, hướng nội để cùng chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu đang rất nóng bỏng, cấp bách hiện nay là biến đổi khí hậu, nợ gia tăng và tăng trưởng chậm, an ninh lương thực, quản trị hiệu quả y tế công cộng…
Với vai trò, vị thế ngày càng nâng cao, Việt Nam được đánh giá là hình mẫu về hồi phục kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội; là một trong những quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực, đang phát triển hết sức năng động và hội tụ nhiều tiềm năng để đóng góp ngày càng tốt cho tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu. Thể hiện vai trò của mình, Việt Nam đã, đang đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo cơ hội để trao đổi về những định hướng, chính sách và môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam với các đối tác quốc tế, trên tinh thần cùng phát triển, cùng hưởng lợi. Đây cũng chính là những bước đi mạnh mẽ, vững chắc để Việt Nam cùng các nước trên thế giới tự tin đương đầu với những “cơn gió ngược”, qua đó phục hồi, tăng trưởng kinh tế và hơn hết là bảo đảm sinh kế và an sinh cho mọi người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.