Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng "nhuộm đen" tâm hồn con trẻ!

Trung Hưng| 26/12/2015 07:32

(HNM) - Mấy ngày qua, thông tin học sinh - từ cấp Tiểu học tới Trung học cơ sở - ở xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) nghỉ học hàng loạt mà lý do là bị ngăn cản đến trường, cá biệt có một số bị lôi kéo tham gia


Xung quanh thông tin, không ít câu hỏi được đặt ra: Những ai là đối tượng dám ngăn cản các em đến trường? Những ai đang tâm ngăn cản các em đến trường? Hành vi này ảnh hưởng thế nào đến suy nghĩ, tâm hồn các em? Đâu là lý do sâu xa vụ việc?...

Học sinh ở xã Ninh Hiệp nghỉ học hàng loạt, nguồn cơn chính liên quan đến hoạt động xây dựng chợ và dịch vụ thương mại tổng hợp Vĩnh Phát (tại xã Ninh Hiệp - PV). Dự án có tổng diện tích 4.903m2, được UBND TP Hà Nội cấp giấy phép đầu tư và giao đất. Điều cần nói rõ ở đây là các thủ tục pháp lý đã được thực hiện theo đúng quy định. Dù vậy, một số hộ dân vẫn bất hợp tác, tập trung đông người khiếu kiện vượt cấp, gây mất trật tự tại khu vực.

Đỉnh điểm là con trẻ bị ngăn cản đến trường, thậm chí bị "giật dây" tham gia phản đối… Cụ thể, ngày 21-12, Trường Tiểu học Ninh Hiệp chỉ có 269/1.646 cháu đến trường; Trường THCS Ninh Hiệp chỉ có… 1/940 cháu vào được trường (tính vào đầu giờ sáng). Ngày 22-12, số học sinh đến lớp của Trường Tiểu học Ninh Hiệp là hơn 100 cháu; tại Trường THCS, có 117 cháu. Ngày 23-12, Trường Tiểu học Ninh Hiệp có 930 cháu đi học; Trường THCS có 302 cháu đi học... Đáng chú ý, bên cạnh một số đối tượng ngăn chặn các cháu tại khu vực cổng trường, có cả phụ huynh không cho con đi học.

Để giải quyết tình hình, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã trực tiếp xuống địa bàn tìm giải pháp đưa học sinh đến trường, tuyên truyền, giáo dục, kêu gọi, vận động phụ huynh, bà con tạo điều kiện để học sinh đến lớp, không lôi kéo các em tham gia vụ việc của người lớn…

Truy nguyên câu chuyện, nhiều điều rất đáng để suy ngẫm, ở khía cạnh nào đó - rất chua xót và đáng cảnh báo.

Thực tế, trong quá trình triển khai một dự án, vì những lý do nhất định, không nhận được sự đồng thuận của 100% hoặc đại đa số người có quyền lợi. Có dự án bị khiếu kiện, có nơi, có lúc còn bị phản đối bằng những biện pháp tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, phản đối theo cách không cho con trẻ đến trường, như chuyện xảy ra ở Ninh Hiệp, là không thể chấp nhận được và cũng là điều hiếm thấy.

Trước hết, được đi học - nói cách khác - được học tập là một trong những quyền cơ bản của trẻ em được pháp luật thừa nhận và bảo hộ. Việc người lớn, bất kể đối tượng đó là ai, cha mẹ, người nuôi dưỡng, giám hộ… không cho con trẻ đến trường là không được phép. Chỉ vì phản đối một dự án, "đấu tranh đòi quyền lợi" (chưa đề cập chuyện đòi hỏi có chính đáng hay không) mà không cho con trẻ đến trường là điều không thể chấp nhận. Trong vụ việc trên, những đứa trẻ hồn nhiên vô tình đã trở thành "con tin" giữa người lớn, không ít là cha mẹ các cháu - với chủ đầu tư dự án.

Kết quả thế nào còn phụ thuộc vào cơ sở pháp luật nhưng trước mắt, quyền được học tập của những đứa trẻ đã bị ảnh hưởng. Thứ hai, đáng quan tâm hơn là trẻ em như tờ giấy trắng. Các cháu cần môi trường, cần được tạo điều kiện để phát triển một cách hồn nhiên, ngây thơ đúng với độ tuổi. Thứ ba, mọi cử chỉ, hành vi, ứng xử của người lớn, đặc biệt là của những bậc làm cha làm mẹ có tác động vô cùng lớn. Không quá khi khẳng định tấm gương phụ huynh có vai trò quan trọng nhất quyết định nhân cách, tương lai con trẻ. Việc người lớn "kéo" các cháu vào nhằm đạt mục đích của mình sẽ để lại những vết hằn tai hại, chẳng khác nào "nhuộm đen" tâm hồn con trẻ.

Nói rất chua xót, rất đáng cảnh báo là vì thế.

Những khúc mắc liên quan việc triển khai dự án xây dựng chợ và dịch vụ thương mại tổng hợp tại Ninh Hiệp chắc chắn sẽ được các cơ quan chức năng của thành phố xem xét, giải quyết. Dù vậy, vẫn cần một lần nữa nhấn mạnh là trẻ em như búp trên cành. "Kéo" trẻ em vào cuộc, phục vụ mục đích của người lớn, đặc biệt đối tượng lôi kéo lại là người làm cha làm mẹ, là bất nhẫn.

Người xưa nói: Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận. Con trẻ chưa biết tự sàng lọc. Mỗi cử chỉ, hành vi, ứng xử tiêu cực của người lớn, của cha mẹ sẽ để lại di hại lâu dài vì nó đang vô tình gieo vào suy nghĩ, tâm hồn con trẻ những điều không hay.
Muốn tương lai con trẻ thế nào thì tự mỗi bậc phụ huynh phải là một tấm gương như thế!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng "nhuộm đen" tâm hồn con trẻ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.