Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Đúng là B-52 rồi!”

Nga Thủy| 14/12/2012 06:52

(HNM) - Trên tấm bia đã cũ, tôi vẫn đọc được đầy đủ dòng chữ:


Năm nay đã bước sang tuổi 78, tài sản quý giá mà ông Lê Thắng (nguyên Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã Định Công, nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai) luôn nâng niu, gìn giữ là tấm Bằng khen do Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng ký vào ngày 17-4-1973 với nội dung: "Tặng bằng khen ông Lê Thắng đã có thành tích xuất sắc trong công tác khắc phục hậu quả phục vụ chiến đấu 12 ngày đêm tháng 12-1972". Một kỷ vật nữa cũng được ông gìn giữ cẩn trọng suốt 40 năm nay, ghi dấu ấn đậm nét nhất của những ngày khói lửa oanh liệt là một cuốn sổ công tác. Cuốn sổ này là nguồn tư liệu vô cùng quý về cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu của người dân Định Công những ngày bị bom đạn và máy bay B-52 tàn phá. Đã nhiều lần cán bộ của Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Phòng không - Không quân, Bảo tàng Chiến thắng B-52 tìm đến để khai thác tư liệu trong cuốn sổ này cũng như những ký ức, đồ vật chiến tranh khác ông Thắng còn lưu giữ được.


Ông Lê Thắng bên bia ghi nhớ chứng tích máy bay B-52 rơi tại
cánh đồng thôn Hạ, Định Công, Hoàng Mai.


Bàn tay run run xúc động, ông lần giở từng trang sổ đã sờn rách, ố vàng. Nhiều trang giấy đã chuyển màu nâu xỉn, đôi chỗ mực đã nhoè nhìn không còn rõ nét chữ. Cuốn sổ này ông bắt đầu viết từ những ngày đầu năm 1972, khi đảm nhiệm thêm chức vụ Chủ tịch Hội đồng phòng không của xã. Hầu hết những nét chữ đều viết vội, tranh thủ giữa giờ giải lao, lúc tạm ngưng tiếng máy bay. Đó là tập hợp thông tin khá đầy đủ về những trận ném bom của máy bay Mỹ xuống Định Công, số người chết, bị thương, bao nhiêu nóc nhà bị phá nát… ở trang cuối còn có cả tên đầy đủ của viên phi công tử nạn đã lái chiếc máy bay B-52 rơi xuống cánh đồng thôn Hạ vào đêm 26-12-1972.

Ông Thắng nhớ lại, lúc đó khoảng 22h, khi mọi người đã yên giấc, đột nhiên tiếng còi báo động rú vang. Lúc này ông vừa chỉ huy Hội đồng phòng không của xã tại khu vực xóm 5, khu Trại trở về nhà, nghe tiếng còi lập tức trở lại trận địa. Người dân nhanh chóng chạy xuống hầm trú ẩn còn Trung đội dân quân trực chiến xã Định Công được lệnh tập trung chiến đấu ngay tại chỗ. Xã Định Công, một bên giáp sân bay Bạch Mai, một phía gần ga Giáp Bát là những mục tiêu đánh phá điên cuồng của máy bay Mỹ. Riêng đêm 26-12-1972 địch thả xuống khu vực này 145 quả bom khiến 5 người chết, 3 người bị thương, 50 ngôi nhà bị sập đổ… Đồng chí Nguyễn Văn Vu, một dân quân của xã Định Công đã hy sinh trong khi đang cùng đồng đội chiến đấu bắn trả B-52 bảo vệ bầu trời Thủ đô. Đêm đó hầu như không ai ngủ được, dồn dập công tác cứu sập hầm, đưa người bị thương đi cấp cứu, lo ma chay cho người chết…

Sáng sớm, dân quân thông báo một chiếc máy bay địch đã rơi xuống khu gò Ổi, mả Ngô thuộc cánh đồng thôn Hạ, ông Thắng cùng nhiều anh em tức tốc chạy đến. Xác chiếc máy bay khổng lồ như con quái vật đen sì vỡ thành nhiều mảnh nằm ngổn ngang khắp cánh đồng, những dải dù màu vàng nhạt bay khắp nơi. Dân quân chia nhau các ngả tìm kiếm, phát hiện viên phi công đã chết, thi thể, quần áo bay vẫn còn nguyên vẹn. Ông Thắng cùng mọi người mua vải về khâm liệm, đào huyệt chôn cất cẩn thận. Trong cuốn sổ công tác của mình, ông Thắng còn kịp ghi lại đầy đủ tên của viên phi công nhờ vào giấy tờ tuỳ thân anh ta mang bên người. Vừa đọc vừa đoán vì nhiều nét chữ đã mờ theo thời gian, tôi đọc được những dòng như sau: "Tên giặc lái chiếc máy bay B-52 Đ rơi tại xã Định Công vào lúc 22h30 ngày 26-12-1972 tên Nutten F.numbron, cấp bậc Đại uý, chứng minh thư số 608662 và fv 3122560". Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Thủ đô, ngay trong ngày 27-12-1972 dân quân xã Định Công đã phối hợp với công binh Quân khu Thủ đô tìm kiếm thu hồi động cơ, xác máy bay. Trong vòng 10 ngày tìm kiếm đã tìm thấy 5 động cơ đưa về Bảo tàng Quân đội.

Trong những ngày thu thập mảnh vỡ xác máy bay, ông Thắng nhớ nhất hình ảnh các nhà báo của Hà Nội và Trung ương. Họ tràn ra cánh đồng thôn Hạ, xông xáo vào từng ngõ nhỏ trong làng cùng tìm kiếm, đề nghị dân quân đưa đi tìm bằng được nhãn mác, số hiệu máy bay. Cuối cùng, niềm vui của mọi người như vỡ oà khi tìm được một mảnh vỡ to bằng cánh cửa có ký hiệu B-52. Nhìn thấy ký hiệu trên mảnh vỡ còn ám khói đen sì, có người đã nhảy lên reo hò sung sướng: "Đúng là B-52 rồi!". Đây là bằng chứng rõ ràng khẳng định kẻ thù cuối cùng đã phải dùng đến "siêu pháo đài bay B-52" để oanh tạc Hà Nội nhưng vẫn bị quân dân Hà Nội bắn rơi. Và điều này càng khích lệ thêm tinh thần hăng hái, tự tin bảo vệ bầu trời Thủ đô thân yêu.

Cánh đồng thôn Hạ hôm nay

Dẫn chúng tôi ra thăm gò Ổi, mả Ngô thuở nào, ông Thắng chỉ vào sân Trường Tiểu học Định Công, trạm y tế phường Định Công rồi bảo: "Bốn mươi năm trước khu vực này hoàn toàn là cánh đồng, xác chiếc máy bay B-52 Đ nằm ngổn ngang ở đây, giờ thì nhà cửa, trường học đã phủ kín. Năm 2002, chính quyền địa phương và Quân chủng Phòng không - Không quân đã xây dựng một biểu tượng đuôi máy bay B-52 tại vị trí cuối cánh đồng, giờ là mặt phố Định Công. Địa điểm này vừa gần trường học, lại sát đường đi, nhiều người qua lại đều nhìn thấy. Tôi nghĩ đó là một cách giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng hiệu quả cho các cháu học sinh và nhân dân địa phương. Sắp tới theo quyết định của thành phố, chính quyền địa phương sẽ tôn tạo lại bia ghi nhớ chứng tích cũng như cảnh quan xung quanh khu vực này để chào mừng kỷ niệm 40 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

Sau bốn mươi năm, những thành viên trong Trung đội dân quân trực chiến xã Định Công ngày nào đều đã thành ông, bà, người còn, người mất, người ít tuổi nhất cũng đã hơn 60 tuổi. Từ năm 2002, họ tập hợp lại thành Hội cựu dân quân 1966-1972 gồm 64 người. Suốt mười năm thành lập hội, cứ đến ngày 30-4 và ngày 26-12 hằng năm, dù ai đang sinh sống, làm ăn xa đều tìm về Định Công - nơi trung đội trực chiến năm xưa được thành lập và chiến đấu để cùng nhau ôn lại những ngày tháng hào hùng đối mặt với B-52 bảo vệ Thủ đô không thể nào quên. Trong số 10 người được Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội Trần Duy Hưng tặng Bằng khen đã có 6 người qua đời, nhiều người khác trong hội giờ cũng đã tuổi cao, sức yếu. Họ là những nhân chứng sống, lưu giữ nhiều câu chuyện lịch sử sống động, minh chứng cho sức mạnh quân dân Hà Nội anh hùng, quả cảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đúng là B-52 rồi!”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.